Bão Yagi “quật ngã” nhóm doanh nghiệp than ở Quảng Ninh

Dù gặp khó khăn từ thiên tai nhưng nhiều doanh nghiệp than vẫn bám sát, thậm chí vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024. Trong khi đó, một số công ty như Than Núi Béo và Than Vàng Danh đối mặt vô vàn thách thức lớn...

than-5450-8732.jpg

Bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là cơn bão có tốc độ tăng cấp bất thường và có cường độ mạnh nhất 30 năm.

“29 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương và 4 người mất liên lạc, thiệt hại tài sản lên tới 24.223 tỷ đồng...” là những thống kê đầy ám ảnh mà Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã công bố tại Hội nghị tổng kết ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 ngày 21/9.

Sức tàn phá của cơn bão đã càn quét khắp địa bàn, khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh than như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tê liệt hoàn toàn.

DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CÙNG NHAU VỀ ĐÁY

Tính đến nay đã có 6 doanh nghiệp niêm yết thuộc TKV công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, ghi nhận lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có những khoản lỗ kỷ lục dưới sức ép của bão số 3.

Trong quý 3, Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin (mã chứng khoán: NBC) chứng kiến doanh thu thuần tụt dốc chỉ còn 348 tỷ đồng, giảm đến 61% so với cùng kỳ, đánh dấu mức doanh thu thấp nhất trong 3 năm qua.

Việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến công ty lỗ gộp 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 117 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng chạm mốc 104 tỷ đồng, mức lỗ sâu nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Công ty lý giải rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong quý 2 và 3, mưa lớn dài ngày, đặc biệt là thiệt hại từ cơn bão số 3 vào tháng 9, đã buộc phải dừng sản xuất dài ngày, làm giảm chất lượng than và suy giảm kết quả kinh doanh.

Cùng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin (mã chứng khoán: TVD) vừa trải qua quý thua lỗ nặng nề nhất từ trước đến nay, với khoản lỗ ròng hơn 57 tỷ đồng trong quý 3, giảm sâu so với mức lãi 10 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng giảm mạnh, chỉ đạt hơn 1.230 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 4 năm, tương ứng giảm 26% so với cùng kỳ.

Theo công ty, nguyên nhân xuất phát từ cơn bão đổ bộ qua khu vực Uông Bí, kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên tới gần 450ml, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.

Mưa lớn kèm dông bão đã gây mất điện diện rộng, làm ngập nhiều đường lò tại các mức -50 khu Cánh gà, mức -10 và mức -175 khu vực Giếng Vàng Danh, khiến công ty phải tạm dừng sản xuất để khắc phục hậu quả. Chi phí khắc phục sự cố và việc ngừng sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

anh-chup-man-hinh-2024-10-25-luc-103107-6523-7637.png

Tương tự, Công ty Cổ phần Than Cao Sơn - TKV (mã chứng khoán: CST) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, dẫn đến phát sinh chi phí giá vốn hàng bán liên quan đến mưa bão lên đến gần 23 tỷ đồng – con số này không xuất hiện trong cùng kỳ năm trước.

Mặc dù có thu nhập từ thanh lý tài sản và thẩm định giá trị, nhưng vẫn không đủ để bù đắp khoản lỗ. Kết quả, Than Cao Sơn ghi nhận lỗ ròng gần 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 31 tỷ đồng, đánh dấu khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.

Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (mã chứng khoán: THT) tuy tránh được khoản lỗ nhưng lợi nhuận ròng đạt được chỉ khiêm tốn ở mức 277 triệu đồng, giảm tới 97% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong vòng 8 năm, sau quý 3/2016 khi công ty lỗ 2 tỷ đồng.

Theo công ty, điều kiện thời tiết khắc nghiệt với lượng mưa lớn, đặc biệt là siêu bão Yagi (bão số 3), đã gây cản trở đáng kể cho hoạt động sản xuất. Sản lượng tiêu thụ trong quý 3 chỉ đạt gần 260 nghìn tấn, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, khiến doanh thu sụt giảm 60%, xuống còn 507 tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty.

Tương tự, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin (mã chứng khoán: HLC) cũng chịu tác động nặng nề từ bão số 3, khiến lợi nhuận ròng chỉ còn hơn 11 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 2 năm qua của doanh nghiệp. Doanh thu của công ty cũng chạm đáy 8 năm, chỉ đạt 565 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết, đầu tháng 9, bão số 3 đã gây thiệt hại trực tiếp đến một số công trình trên mặt bằng và hệ thống đường điện, khiến công ty mất điện suốt 9 ngày. Điều này buộc công ty phải dừng sản xuất trong 7 ngày để khắc phục hậu quả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh.

Công ty Cổ phần Than Mông Dương - Vinacomin (mã chứng khoán: MDC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng cùng giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 2 năm qua. Cụ thể, doanh thu quý 3 chỉ đạt gần 528 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi lợi nhuận ròng cũng sụt giảm 41%, còn lại 9 tỷ đồng.

“VƯỢT NẮNG, THẮNG MƯA”

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai, nhưng thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp than vẫn bám sát hoặc thậm chí vượt kế hoạch năm 2024.

Nổi bật trong số đó là Than Cao Sơn, doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu trước 3 tháng khi lãi trước thuế đạt gần 167 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm và tăng 17% so với cùng kỳ. Doanh thu cũng đạt gần 7.400 tỷ đồng, tương đương 78% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ.

Tương tự, cả Than Hà Tu và Than Hà Lầm đều vượt hơn 75% mục tiêu lợi nhuận năm. Than Hà Tu ghi nhận lãi trước thuế hơn 68 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 81% kế hoạch năm. Trong khi đó, Than Hà Lầm đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch dù lãi trước thuế giảm 10%, còn 76 tỷ đồng trong 9 tháng.

Than Mông Dương cũng tiến gần đến mục tiêu lợi nhuận năm với 70% kế hoạch hoàn thành, đạt lãi trước thuế gần 44 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.

Trái lại, Than Núi Béo vẫn chưa đạt được kết quả khả quan khi lỗ 71,5 tỷ đồng sau 9 tháng, còn xa mục tiêu lãi trước thuế 76 tỷ đồng. Trong khi đó, Than Vàng Danh dù chịu lỗ nặng trong quý 2, nhưng tổng kết 9 tháng vẫn ghi nhận lãi trước thuế 15,5 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 9% kế hoạch năm.

Ở một diễn biến khác, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định về công tác cán bộ. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TKV được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tập đoàn, thay cho ông Đặng Thanh Hải mới về hưu.

Ông Tuấn sinh năm 1968. Giai đoạn 2009 - 2015, ông Tuấn là Giám đốc Công ty Cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin. Từ tháng 5/2015, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc tập đoàn.

Như vậy, Vinacomin hiện có Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn và 4 Phó Tổng Giám đốc gồm ông Phan Xuân Thủy, ông Nguyễn Tiến Mạnh, ông Trần Hải Bình, ông Nguyễn Huy Nam.

Về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng than nguyên khai sản xuất toàn tập đoàn đạt trên 37,6 triệu tấn, tiêu thụ 34,2 triệu tấn, trong đó tiêu thụ cho các hộ điện đạt 29,5 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt trên 123.500 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng. Năm nay, TKV đặt mục tiêu doanh thu trên 175.000 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, tập đoàn đã thực hiện được 71% kế hoạch năm.

Về kế hoạch quý 4/2024, TKV giao nhiệm vụ cho các đơn vị phải tập trung cao độ đẩy mạnh sản xuất, đạt sản lượng cao nhất theo giấy phép khai thác, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đồng thời, triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2025-2030.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...