Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa tư vấn thành công thương vụ Tập đoàn Bảo Việt chào bán riêng lẻ 41.436.330 cổ phần cho Sumitomo Life với giá hơn 96.800 đồng/CP. Thương vụ này đã thu về cho Tập đoàn Bảo Việt hơn 4.000 tỷ đồng và đánh dấu hoạt động M&A đình đám nhất lĩnh vực bảo hiểm trong năm 2019.
Ông Nhữ Đình Hòa, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chia sẻ về vấn đề thu hút vốn ngoại từ các nhà đầu tư lớn.
Ông đánh giá như thế nào về làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và dự báo trong tương lai gần?
Tôi tin rằng “Đất lành chim đậu” nên trong những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, được thể hiện qua số liệu vốn FDI liên tục lập kỷ lục mới. Tính đến hết tháng 11/2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đó là kết quả của những nỗ lực cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính không ngừng từ Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán đạt xấp xỉ 3 tỷ USD/năm trong 2 năm liên tiếp, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng từ hơn 17.000 tài khoản năm 2015 lên trên 32.000 tài khoản hiện nay.
Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài qua kênh M&A cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của FiinGroup, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nửa đầu năm 2019, tổng giá trị các giao dịch M&A của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt trên 38 tỷ USD.
Bức tranh đầu tư nước ngoài trong thời gian qua tại Việt Nam là khá toàn diện, bao gồm cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Bộ phận IB của các công ty chứng khoán có vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Việt Nam là nước đang phát triển, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tiệm cận mức trung bình của thế giới, số lượng tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh. Các lĩnh vực tận dụng được những lợi thế này đã, đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Những thương vụ lớn trong thời gian gần đây đã thể hiện rất rõ chiến lược đầu tư đó. Có thể kể đến như Thaibev đầu tư gần 5 tỷ USD mua cổ phần chi phối tại Sabeco năm 2017, SK Holdings rót 470 triệu USD vào Masan Group năm 2018 và 1 tỷ USD vào Vingroup năm 2019, GIC đầu tư trên 1,3 tỷ USD vào Vinhomes năm 2018 dưới hình thức mua cổ phần và cung cấp công cụ nợ và 500 triệu USD vào Vincommerce năm 2019, GIC và Mizuho Bank đầu tư gần 270 triệu USD vào Vietcombank cuối năm 2018, KEB Hana Bank mua cổ phần tại BIDV trị giá trên 900 triệu USD năm 2019, thương vụ gần đây nhất là Sumitomo Life Insurance Company (SML) chi 173 triệu USD mua cổ phần phát hành riêng lẻ và tăng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Có thể thấy, các nhà đầu tư đến từ châu Á, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… thể hiện sự tích cực và chủ động trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nắm bắt được xu hướng đó, bộ phận IB của BVSC đã sớm thiết lập hệ thống các đối tác rộng khắp tại các quốc gia này và nhiều quốc gia khác trên thế giới để hỗ trợ và tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ở thương vụ Bảo Việt – Sumitomo Life do BVSC tư vấn M&A, theo ông, vì sao đối tác Nhật Bản chọn thời điểm này để gia tăng đầu tư với giá đặt mua cao?
Theo tôi, yếu tố thị trường luôn là điểm then chốt mà các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất kỹ đối với các khoản đầu tư tại một thị trường nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo nghiên cứu của bộ phận phân tích BVSC, quy mô dân số Việt Nam đạt trên 96 triệu người năm 2019 và dự kiến tăng lên 100 triệu người vào năm 2022. Tăng trưởng GDP trong những năm gần đây luôn đạt mức cao từ 6 - 7%/năm. Cơ cấu dân số trẻ với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, đạt mức 1,5 triệu người mới gia nhập vào tầng lớp này mỗi năm và dự kiến chiếm 33% dân số vào năm 2020.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.600 USD/người/năm, chưa bằng mức thu nhập trung bình trên thế giới (khoảng 3.000 USD/người/năm), nhưng nhiều người dân đã có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại chỉ tương đương Malaysia năm 1990, Trung Quốc năm 2007 và Indonesia năm 2010. Như vậy, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều dư địa để phát triển cả về nhân thọ và phi nhân thọ rất dồi dào.
BVH là đơn vị tiên phong và đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm. Với đội ngũ tư vấn viên lớn nhất và danh mục sản phẩm đa dạng nhất, tập đoàn này đang nắm giữ thị phần lớn nhất ở cả 2 mảng bảo hiểm. Bên cạnh đó, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt đang quản lý tổng tài sản lớn nhất thị trường và BVSC luôn nằm trong Top 10 thị phần môi giới, góp phần thực hiện định hướng của BVH trở thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.
Tôi cho rằng, Sumitomo Life đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như mô hình hoạt động của Bảo Việt và tình hình kinh doanh của các công ty con trong Tập đoàn trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Mức giá họ đặt mua cao hơn 30% thị giá cổ phiếu BVH thể hiện niềm tin của Ban lãnh đạo Sumitomo Life vào phương hướng và tầm nhìn phát triển của Bảo Việt.
Vốn ngoại “chảy” vào doanh nghiệp Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đang tăng mạnh lên tới 47% trong 11 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dịch vụ IB đối với những thương vụ này và dự báo không gian phát triển IB?
Chúng tôi vẫn thường ví von rằng, các chuyên viên bộ phận IB là những “ông Tơ, bà Nguyệt” giúp “se duyên” cho các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường vốn, vai trò của IB ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả với nhà quản lý.
Ngoài việc tư vấn phương án, thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp cần hút vốn, các chuyên viên IB còn phải tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để tham gia vào mỗi thương vụ. Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vai trò của IB thể hiện rất rõ thông qua việc tư vấn về môi trường đầu tư, rủi ro đầu tư và quy định đầu tư tại nước sở tại. Các IB là cầu nối giữa hai đầu mua bán, dung hòa, hỗ trợ và thúc đẩy quá trình hai bên tìm hiểu lẫn nhau và ra quyết định đầu tư.
Với việc trực tiếp tham gia và nắm rõ các vấn đề của các bên trong thương vụ M&A nên IB cũng là một kênh phản hồi hữu hiệu đến các nhà quản lý thị trường, nhằm mục đích cập nhật chính sách phù hợp với dòng chảy của thị trường và phát triển thị trường bền vững.
Thời gian tới, song hành cùng sự phát triển chung của thị trường tài chính Việt Nam, thị trường vốn bao gồm thị trường vốn cổ phần và thị trường vốn nợ sẽ có sự phát triển vượt bậc. Do đó, không gian phát triển của mảng IB rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng.
Năm 2019 vẫn còn lỡ nhiều kế hoạch IPO của các doanh nghiệp nhà nước lớn như Genco 1, Genco 2, Vincem, Mobiphone…, thoái vốn nhà nước tại nhiều tổng công ty lớn… và tiếp tục chuyển sang năm 2020. Là một trong những nhà tư vấn IB lớn nhất thị trường, BVSC có sự chuẩn bị gì để đón cơ hội này?
Bức tranh thoái vốn nhà nước và IPO trong năm 2019 đã không giữ được sự khởi sắc như vài năm trước, khi số lượng doanh nghiệp thoái vốn nhà nước chưa đạt như kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải giữ vốn góp. Do đó, tôi tin tưởng rằng, quá trình thoái vốn nhà nước sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Đứng trước bối cảnh đó, BVSC trong một vài tháng trở lại đây đã chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành, SCIC, các doanh nghiệp nằm trong danh sách Nhà nước cần thoái vốn để tiếp cận nhu cầu và có những bước tư vấn đầu tiên phục vụ cho quá trình thực hiện thương vụ sau này.
Xin cảm ơn ông!