Từ tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trong nước ghi nhận tăng mạnh, từ mức 50.000 đồng/kg lên tới 60.000 đồng/kg, đạt mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Giá lợn hơi đang đà tăng
Ông Dũng, một hộ chăn nuôi lợn tại Phúc Thọ, Hà Nội với quy mô khoảng 100 con cho biết, hiện nay người chăn nuôi đang được hưởng lợi vì giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn so với trước, và giá lợn hơi tăng so với trước kia.
"Mỗi bao thức ăn hiện tại giảm giá khoảng 10.000 đồng so với hồi tháng 3. Mỗi ngày, riêng số lượng cám cho lợn ăn cũng hết khoảng 30 bao, như vậy tiết kiệm được 300.000 đồng so với trước", ông Dũng nói.
Thêm vào đó, giá lợn đang trên đà tăng, hiện đang giao dịch quanh vùng giá 57.000 đồng/g - 58.000 đồng/kg cũng giúp cải thiện lợi nhuận khi chăn nuôi.
"Với giá lợn hơi như hiện nay, trung bình mỗi con lợn xuất chuồng bán người nuôi sẽ lãi vài trăm nghìn. Còn trước đó, có thời điểm nuôi là chỉ có hòa đến lỗ.", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết chưa có ý định tăng đàn, do lo ngại mức giá này duy trì không ổn định. Từ lúc cai sữa mẹ tới khi xuất chuồng, giá lợn hơi vẫn ổn định thì không sao, nhưng nếu giá giảm sâu, người chăn nuôi sẽ nắm chắc thua lỗ.
Thêm vào đó, diễn biến giá lợn hơi thời điểm hiện tại có nhiều nét tương đồng với năm 2022, khi giá lợn hơi cũng hồi phục về vùng giá trên 55.000 đồng/kg. Nhưng giai đoạn cuối năm trước đến đầu năm nay giảm mạnh, có thời điểm giá lợn hơi chỉ có 46.000 đồng/kg, khiến nhiều nông hộ lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề.
Một nông hộ khác lại cho biết sẽ xem xét việc tăng đàn, tái đàn khi giá lợn giống xuống thấp. "Giá thức ăn chăn nuôi cao mà giá lợn giống thấp vẫn có thể tái đàn ít và cố gắng duy trì", người này nói.
Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng thời điểm hiện tại nếu có tăng đàn, tái đàn thì đều thực hiện nhỏ giọt theo hướng thăm dò thị trường. Bởi sau nhiều năm từ hòa đến lỗ, nguồn lực của các hộ chăn nuôi đã kiệt quệ. "Đi vay ngân hàng, ngân hàng cũng lắc đầu vì 10 người nuôi lợn có 9 người là nợ xấu", một nông dân cho hay.
Thực tế, việc giá lợn tăng và các loại thức ăn chăn nuôi giảm đã giúp tình hình hoạt động của các nông hộ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, yếu tố thị trường vẫn chưa ổn định, nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu, sức mua chưa tăng. Việc giá lợn tăng như hiện nay là chưa bền vững.
Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, tổng đàn heo cả nước đạt 24,66 triệu con tăng 6,2% so với cùng kỳ 2022, nhưng ghi nhận giảm 6% so với mức đầu năm.
Theo Chứng khoán VNDIRECT, giá lợn chạm mức cao nhất kể từ đầu năm do sản lượng bán tháo lợn chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 giảm 50% so với năm 2021.
Về dài hạn, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng giá lợn hơi được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại.
VNDIRECT kỳ vọng giá lợn hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý 2/2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6%/4,0% so với quý trước trong quý 3, quý 4/2023 lên mức 62.000-65.000/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý 3/2023.
Còn theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn tăng là tín hiệu vui đối với các hộ chăn nuôi sau một thời gian dài giá bán luôn ở mức dưới giá thành. Tuy nhiên, với mức giá này, bà con cũng chỉ hòa vốn hoặc có lãi ít. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên tái đàn hay tăng đàn ồ ạt, mà cần thận trọng theo dõi diễn biến thị trường để duy trì số lượng vật nuôi hợp lý, phù hợp với quy mô chuồng trại
Doanh nghiệp vẫn còn khó
Giá lợn hơi bấp bênh trong thời gian qua đã ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Dabaco, một trong những doanh nghiệp được xem là “ông lớn” của ngành chăn nuôi lợn, báo lỗ kỷ lục gần 321 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 8,6 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận, mảng nông nghiệp lỗ nặng, tới 117 tỷ đồng. Hiện bên cạnh chăn nuôi lợn, Hòa Phát còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.
Công ty Cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu quý I/2023 giảm 47%, xuống còn 816 tỷ đồng. Lưu ý, trong hơn 2 năm trở lại đây, BAF đã đầu tư mạnh vào mảng nuôi lợn.
Tuy nhiên, cùng với dự báo lạc quan về giá thịt lợn trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành lấn chiếm thị phần và đạt tăng trưởng tốt.
Theo VCBS, do giá lương thực và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong năm 2022, nên để nuôi một con lợn hơi từ 10 kg lên 100 kg, trung bình hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mất ít nhất 4,7 triệu đồng để hòa vốn. Trong khi đó, con số này của một trại nuôi công nghiệp chỉ là 4,2 triệu đồng.
Thêm vào đó, các nông hộ không mặn mà tái đàn cũng khiến nguồn cung sụt giảm. Nhưng nguồn cầu lại được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế dự báo tăng trưởng hằng năm là 3,1%.
Do đó, đây là khoảng trống để các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi mở rộng thị phần.
Còn theo quan điểm của VNDIRECT, giới lãnh đạo của nhóm công ty sản xuất thịt đều đưa ra thông điệp tích cực hơn về triển vọng giá lợn hơi. Ban lãnh đạo cho rằng những gì khó khăn nhất đã diễn ra trong quý 4/2022 và quý 1/2023, và triển vọng ngành sẽ tích cực hơn từ quý 3/2023.
Thị giá cổ phiếu của các doanh sản xuất thịt cũng tăng đáng kể từ ngày 11/4 theo đà tăng của giá lợn hơi như DBC tăng 27,6% và BAF tăng 16%.
VCBS cũng cho rằng, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vẫn có thể chịu thiệt hại, nhưng sẽ có lợi nhuận từ năm 2024.
Cụ thể, VCBS dự báo BAF sẽ ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 6.901 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 196 tỷ đồng, giảm 31%. Kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn vào năm 2024, với doanh thu thuần tăng 43% và lợi nhuận sau thuế tăng 142%.
Với DBC, VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2023 đạt 11.977 tỷ đồng, tăng 3,63% so với năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 1.729%, đạt 95 tỷ đồng, chủ yếu bởi mức lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đạt 5 tỷ đồng.