Hàng không "ngóng" khách du lịch từ Trung Quốc để cất cánh

Việc Trung Quốc - thị trường chủ lực của ngành du lịch Việt Nam - mở cửa du lịch từ 15/3 được kỳ vọng góp phần phục hồi của không chỉ ngành du lịch, mà cả ngành hàng không...
Hàng không "ngóng" khách du lịch từ Trung Quốc để cất cánh
Trước Covid - 19, Trung Quốc luôn là thị trường khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Thực tế, tính đến trước khi Trung Quốc thông báo mở cửa cho khách đoàn tới Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam đã có hơn 1 năm phục hồi và đạt nhiều thành tựu nhất định. Tuy nhiên, phát triển du lịch đang lệch cán cân nghiêm trọng khi chỉ tăng về lượng mà giảm về chất. 

Cụ thể, năm 2022, ngành du lịch đạt hơn 101,3 triệu khách, tăng hơn 15% về số lượng khách so với năm 2019. Nhưng tổng thu lại giảm hơn 30%. Nguyên nhân chủ yếu do du lịch chủ yếu phát triển thị trường nội địa, chưa khai thác trở lại được thị trường quốc tế - những du khách có mức chi tiêu trung bình cao hơn nhiều so với du khách trong nước.

Kéo theo đó là sụt giảm doanh thu của các hãng bay. Số liệu từ Vietnam Airlines cho biết, thời điểm trước dịch năm 2019, toàn bộ mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng trong doanh thu kỷ lục 100.000 tỉ đồng của Vietnam Airlines. 

Thực tế, tính đến trước khi Trung Quốc mở cửa, các hãng hàng không đã tìm nhiều cách để tăng các chuyến bay quốc tế, thậm chí mở thêm đường bay tới 2 thị trường mới là Ấn Độ và Mỹ, nhưng khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.

Trong khi đó, giai đoạn trước Covid - 19, Trung Quốc luôn là thị trường khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.

Do đó, Trung Quốc mở cửa là cơ hội để hàng không Việt Nam trở lại và bứt phá. Để tận dụng cơ hội này, các hãng hàng không đã lên kế hoạch tăng cường các chuyến bay để phục vụ khối lượng lớn hành khách từ đất nước tỷ dân.

Hàng không "ngóng" khách du lịch từ Trung Quốc để cất cánh

Vietravel đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới. Trong đó, hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa: Hàng Châu (HGH) - Cam Ranh (CRX), Thường Châu (CZX) - Cam Ranh (CRX), Côn Minh (KMG) - Cam Ranh (CRX).

Hàng không Vietjet Air đã đưa ra kế hoạch tăng tần suất chuyến bay charter từ Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh lên tới 20 chuyến trong giai đoạn cuối tháng 3.

Bamboo Airways vẫn tiếp tục khai thác chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay. Điều này giúp hãng khôi phục tổng cộng 9 trên 10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước đại dịch.

Song song với mở thêm đường bay, giá vé cũng ghi nhận có sự giảm mạnh để kích cầu. Giá vé giảm ghi nhận ở cả các hãng trong nước và nước ngoài.

Cụ thể, chặng Hà Nội - Bắc Kinh, giá vé rẻ nhất là 10 triệu đồng của các hãng Shenzhen, Cathay Pacific liên kết với Vietnam Airlines và China Southern. Khách hàng phải quá cảnh ở Hàn Quốc hoặc Hong Kong.

Chặng Hà Nội - Quảng Châu có giá rẻ nhất là 7,6 triệu đồng khi bay với Vietnam Airlines. Nếu bay thẳng với China Southern, hành khách phải trả khoảng 12,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, các phương án trên mới chỉ là một trong những phương án kích cầu của riêng ngành hàng không. Để đạt được mục tiêu thu hút 8 triệu khách du lịch nước ngoài, chỉ riêng nỗ lực của ngành hàng không là chưa đủ. Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hàng không cần liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ với ngành du lịch để có thể thu hút hơn nữa du khách.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói rõ hơn: hàng không và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hàng không tạo kết nối giao thông giữa các quốc gia, chắc chắn cần khách du lịch trên các chuyến bay.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói thêm tại cuộc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”: Nếu du lịch không phát triển thì hàng không thua lỗ. "Nếu như không bay, thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch", ông Kỳ nói.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Do vậy, để thu hút du khách Trung Quốc nói riêng, và thúc đẩy số lượng khách du lịch nước ngoài nói chung, kéo theo đó là phát triển của ngành hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho rằng có 4 vướng mắc cần tháo gỡ:

Thứ nhất, chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng.

Thứ hai, cần thiết có Chương trình quốc gia về du lịch. Kiến nghị có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển.

Thứ ba, tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành. Năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới, trong đó đây đều là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Bám vào chương trình này chúng ta tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch Việt Nam trong năm 2023.

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch để tăng chất lượng dịch vụ.

Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương cũng cho rằng Bộ Ngoại giao cần chủ động đàm phán các hiệp định hàng không quốc tế để các hãng hàng không mở các đường bay đi và đến quốc tế, mở quỹ slot chuyến bay dành cho Việt Nam.

Đồng thời, ông Định Việt Phương cũng cho rằng cần tạo sự thông thoáng trong công tác nhập cảnh đối với du khách.

Ông Nguyễn Minh Chung, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng cho rằng, để tạo thuận lợi cho du khách thì phải có chương trình miễn giảm visa, nhất là đối với những nước có lượng khách du lịch thu nhập cao.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với thị trường Trung quốc, Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng phải duy trì chuyến bay kết nối khi được phép phép bay trở lại (dự kiến và 25/4). Song song đó là bố trí ưu tiên những giờ cao điểm, những giờ đẹp cho những chuyến bay quốc tế

Về hạ tầng trong nước, Bộ Giao thông vận tải đã cơ bản đảm bảo hạ tầng đường cất hạ cánh tại 2 cảng hàng không chủ lực là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Có thể bạn quan tâm