Ngày 18/7, Công ty 1Matrix, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ đồng tổ chức buổi công bố danh sách 51 bài thi vào vòng bán kết cuộc thi "Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025".
Theo ban tổ chức cho biết, các bài thi được lựa chọn vào bán kết dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: Giá trị thực tiễn; Tính sáng tạo; Tính bền vững - Khả năng mở rộng; Chất lượng tổng thể của dự án.
Một số chủ đề nổi bật của các bài thi được vào vòng bán kết như định danh số tích hợp dịch vụ công, nền tảng giáo dục trực tuyến phi tập trung, chữ ký số, giải pháp cho vay thế chấp tài sản số, ngân hàng số ứng dụng blockchain kết hợp tài sản thực (Real World Asset) hay hệ thống giao dịch tín chỉ carbon - một hướng đi đang rất được quan tâm trong bối cảnh cộng đồng đề cao sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi VietChain Talents 2025 chia sẻ, với việc định hướng không chỉ là sân chơi học thuật mà còn là cơ hội cho các tài năng trẻ cọ sát thực tế, giải quyết các vấn đề mà xã hội đặt ra, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng, từ các kỹ sư chuyên nghiệp, chuyên gia ngành tài chính - công nghệ đến từ Techcombank, OneMount Group, FPT, Misa, SkyMavis, Decom Stars, AnyAxis Labs, Ngân hàng MSB, Ngân hàng VP Bank, Ngân hàng HDBank,... cho đến đội ngũ sinh viên đến từ hơn 30 trường đại học và tổ chức đào tạo uy tín, tiêu biểu như Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), ĐH FPT Cần Thơ, ĐH Bách khoa TPHCM...
"Thông qua cuộc thi, các nhân tố tiên phong sẽ được phát hiện và đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tôi tin rằng, những sân chơi như VietChain Talents sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao ngành blockchain nói riêng và các ngành công nghệ nói chung ”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Hiền thông tin thêm, để có thể tiếp tục tiến vào vòng chung kết, 51 bài thi được lựa chọn sẽ phải trải qua phần thuyết trình trực tiếp với ban giám khảo từ ngày 21/7 đến ngày 31/7/2025.
Cũng tại buổi công bố, ông Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Giải pháp và Kiến trúc Blockchain Công ty 1Matrix chia sẻ những kết quả bước đầu của Mạng Dịch vụ Đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN) mà 1Matrix đang thực hiện như cam kết tại diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
Được thiết kế theo mô hình kiến trúc 5 tầng, có tính chất tương tự như EBSI (Mạng hạ tầng dịch vụ Blockchain Châu Âu) và BSN (Mạng dịch vụ Blockchain Trung Quốc), mạng VBSN hướng đến việc cung cấp các giải pháp blockchain toàn diện, chi phí thấp, dễ triển khai, phục vụ cho các doanh nghiệp - tổ chức dịch vụ công và tư. Các lĩnh vực trọng điểm được ưu tiên triển khai bao gồm: Xử lý dữ liệu quốc gia, Định danh số, Hóa đơn điện tử, Lưu trữ văn bằng chứng chỉ, Số hóa tài sản, Đổi mới công nghệ tài chính…
Với sự thúc đẩy từ hệ sinh thái Techcombank - One Mount Group - Masterise Group - Techcom Securities và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các đối tác uy tín như Boston Consulting Group (BCG), Sotatek, NCC, CMC, Viettel IDC, FPT Telecom, AlphaTrue,... 1Matrix đã xây dựng 6 blockchain layer-1 kết hợp kết nối nhiều nền tảng blockchain sẵn có trên thế giới với nhiều cơ chế phân quyền và đồng thuận nhằm tối ưu lợi ích cho những lĩnh vực và nhu cầu khác nhau.
Tốc độ giao dịch của mỗi mạng layer 1 trong VBSN hiện đạt từ 2.000 - 60.000 TPS (giao dịch/giây), thậm chí có thể đạt mức tối đa 300.000 TPS, tùy theo yêu cầu của từng đối tác triển khai thực tế.
Ông David Chain, Giám đốc Phát triển Đối tác Boston Consulting Group - đơn vị hàng đầu thế giới về tư vấn giải pháp, cho rằng, quá trình xây dựng VBSN đã kế thừa, phát huy các ưu điểm của các mạng dịch vụ blockchain hiện nay như EBSI, BSN. Điều này giúp VBSN có khả năng tích hợp mạng blockchain toàn cầu và tối ưu các công nghệ hiện đại nhất, giúp giải các bài toán về bảo mật, khả năng mở rộng, tính phi tập trung,... một cách linh hoạt và vượt trội hơn hẳn những mô hình khác.
Đặc biệt, từ những bài học kinh nghiệm mà BCG đã rút ra từ thực tế tư vấn, triển khai giải pháp, chuyển giao công nghệ với chính phủ nhiều quốc gia trên toàn cầu, ông David Chain tin tưởng rằng, VBSN sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện tại và tương lai của Việt Nam kể cả trong quản lý dữ liệu công hay thúc đẩy kinh tế khu vực tư.
Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty 1 Matrix nhận định, xây dựng mạng dịch vụ đa chuỗi Blockchain Việt Nam góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Blockchain Việt Nam là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, bây giờ là cơ hội vàng để hành động, khi Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW về thúc đẩy kinh tế tư nhân.
"Để hiện thực hóa mục tiêu trên, 1Matrix không chỉ tập trung vào phát triển công nghệ lõi và xây dựng hạ tầng nền tảng, mà còn đặc biệt chú trọng vào yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao mà cuộc thi VietChain Talent là một phần trong chiến lược đó", ông Trung nói.
VietChain Talent là cuộc thi blockchain có quy mô giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 3,5 tỷ đồng, với giải Nhất chủ đề Layer 1 trị giá 1 tỷ đồng tiền mặt, 3 chủ đề còn lại trị giá 500 triệu đồng/giải.
Sau 2 tháng phát động, cuộc thi nhận được hơn 300 ý tưởng đến từ 220 đội thi, ghi nhận 138 bài thi chính thức được gửi về.
Trong đó, chủ đề 1 (Layer1) chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 35%, Chủ đề 3 (Truy vết blockchain) đạt tỷ lệ 32,5%. Hai chủ đề còn lại, lần lượt là Chủ đề 2 (Sàn giao dịch tài sản mã hoá CEX/DEX) đạt 21,5% và chủ đề 4 (Cầu nối blockchain) ghi nhận 11% tổng số bài dự thi.
Các bài thi vào vòng bán kết được đánh giá, bầu chọn bởi Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Chuyên môn uy tín đến từ nhiều cơ quan, đơn vị đầu ngành như Ban Cơ yếu Chính phủ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Công ty 1Matrix, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện Khoa học Kỹ thuật Mật mã và nhiều tập đoàn lớn như Boston Consulting Group, CTCP Công nghệ Sotatek, Viettel Cyber Security, AlphaTrue, Tether, Verichains, Nami Foundation, Holdstation, Kyber Network, Spores Network,... cùng các đối tác phát triển quan trọng như OKX, Onus, Tether,....