Người Việt ở Úc “một năm hai lần ăn Tết”

Đối với chị Lan sống tại thành phố Brisbane - thủ phủ của bang Queensland, giữ gìn văn hóa Việt cho các con là điều chị luôn tha thiết. Đặc biệt là khi Tết Việt đến, dù khi đó, nước Úc chớm vào… thu.
Bằng nhiều cách, chị Lan giúp các con được biết đến, ghi nhớ và trân trọng nguồn gốc của mình, dù chúng được sinh ra ở nước ngoài
Bằng nhiều cách, chị Lan giúp các con được biết đến, ghi nhớ và trân trọng nguồn gốc của mình, dù chúng được sinh ra ở nước ngoài

Không đợi đến những dịp lễ tết chị mới giới thiệu cho các con về văn hóa và ẩm thực của quê hương, mà trong mỗi bữa ăn hằng ngày, ở mỗi góc nhỏ trong nhà, chị đều thổi vào đó tâm hồn người Việt. Với quan niệm mình là người chủ gia đình, là người giữ lửa cho cả nhà, chị vô cùng tỉ mỉ trong việc chăm sóc chồng con. Từng bữa ăn được chị chăm chút từ hương vị, cách thức nấu, cho đến nguyên vật liệu đều phải thật sạch, thật tươi, làm sao để thời gian quây quần quanh bữa ăn là lúc xóa tan mọi mệt nhọc của các thành viên trong gia đình sau một ngày lao động, học tập, là lúc kết nối tình cảm giữa vợ chồng con cái, và là lúc giúp các con được biết đến, ghi nhớ và trân trọng nguồn gốc của mình, dù chúng được sinh ra ở nước ngoài. 

Chị Lan tâm sự, thời điểm yêu thích nhất của chị trong một năm là lúc người Việt Nam mừng Tết, và lúc Brisbane vào xuân. Điều đặc biệt là hai thời điểm này cách nhau tới...nửa năm, vì nước Úc nằm ở nam bán cầu nên khí hậu trái ngược hẳn với Việt Nam. Vào tháng Tám, khi Brisbane và khắp nước Úc đón những cơn gió xuân, những vạt hoa đủ màu đua nhau nở, ăn mừng bằng hàng trăm lễ hội đón xuân lớn nhỏ, các nhà thi nhau trồng hoa, làm vườn để tranh giải do chính quyền địa phương tổ chức, thì ở Việt Nam đang độ cuối hè, với những chùm bằng lăng, những cành phượng đỏ cuối cùng đang xòe tán như muốn vẫy tay chào tạm biệt mùa hè rộn rã.

Gia đình chị Lan "ăn Tết" bằng việc mở tiệc trà và các món ăn dân dã trong khu vườn bên gốc cây đào phai
Gia đình chị Lan "ăn Tết" bằng việc mở tiệc trà và các món ăn dân dã trong khu vườn bên gốc cây đào phai

Dù không phải Tết nhưng trong lòng người Việt, nhất là những người Việt sinh ra lớn lên ở miền Bắc, vẫn xốn xang vì đất trời khi ấy cứ gợi lên bao nhiêu ký ức về thời khắc đón chào năm mới. Làn gió xuân man mát, dìu dịu, đến quãng chiều tối vẫn còn se lạnh, cứ y như không khí những ngày giáp Tết. Nhà nào còn đốt bếp củi thì trong không gian lại thoảng thêm mùi khói, tựa như mùi của "khói lam chen mái rạ - những nếp nhà xa xa".

Và hoa đào, vâng, hoa đào, nở bung khắp các khu phố quanh quận Inala - quận có đông người Việt Nam nhất. Chẳng biết nguồn gốc cây hoa đào là từ đâu, chỉ biết rằng khi đi khắp các nẻo đường của thành phố Brisbane, cứ đến mùa xuân, thấy nhà ai có cây hoa đào đang nở rộ, là gần như chắc chắn đó là một gia đình Việt Nam. Cái cảm giác đi giữa Brisbane nhìn thấy đào thắm, đào phai thi nhau nở, trong tiết trời se lạnh, còn ở Việt Nam đang độ cuối hè nóng như lửa, thật là khó tả, thật là trái ngược, thật là "một mình một kiểu". Đây cũng chính là lúc gia đình chị Lan "ăn Tết" - một cái Tết thật dông dài, thoải mái, tranh thủ khi thời tiết đang độ đẹp nhất. Lúc này, cả nhà sẽ cùng nhau mở tiệc trà hằng ngày bên gốc cây đào phai đang nở những nụ hồng hào, cho đến khi những cánh hoa đào bung nở, và đến tận khi chúng lãng đãng rơi. Chị Lan hóm hỉnh: "Mình thật may mắn khi một năm được ăn Tết đến hai lần! Và vì mình rất yêu Tết nên chắc hẳn không có gia đình nào ăn Tết..lâu như gia đình mình đâu!"

Hoa đào nở bung trong vườn nhà chị Lan cũng như khắp các khu phố quanh quận Inala
Hoa đào nở bung trong vườn nhà chị Lan cũng như khắp các khu phố quanh quận Inala

Quả thực chị là một người vô cùng tha thiết với văn hóa và ẩm thực quê hương. Đã 10 năm xa quê, năm nào chị cũng tự gói bánh chưng cho gia đình và để tặng cho bạn bè. Từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, cho đến củ kiệu, mâm ngũ quả...chị đều tự tay nấu và bày biện. Nấu trên bếp củi chưa đủ phong vị, chị còn nghiên cứu xây một cái bếp gạch đắp đất sét ngay trong sân nhà - cái bếp chị gọi vui là "chồng xây vợ đắp", vì ông xã thì xây khung gạch, còn chị tự đào đất sét trong vườn nhà để đắp bên trong tạo lớp giữ nhiệt.

Đã có rất nhiều món ngon được sinh ra từ chiếc bếp này, như cá kho làng Vũ Đại, phở bò, phở gà...đều chuẩn chỉnh, đúng cách nấu của quê nhà, chậm rãi từ tốn, không vội vàng, và thấm đẫm mùi vị quê hương từ nguyên liệu cho đến dụng cụ nấu, và thơm lừng mùi củi, rạ. Để nấu được nồi phở bò ngon ngọt, nước trong veo mà không dùng đường hay mì chính, chị rất cầu kì dành tới 3 ngày 2 đêm để ninh nấu trên cái bếp đất sét này.

Mảnh vườn nhỏ xinh được chị chăm chút, trồng từ củ gừng, củ hành, vạt rau thơm, cho đến những cái bắp cải khổng lồ, những bó cải để muối dưa to hơn vòng tay cô con gái bé bỏng... Chị dùng chính những nguyên liệu quanh nhà đó để nấu ra những nồi bún, nồi phở đậm đà, thơm lừng, theo cơn gió đẩy đưa, làm những đứa con đi học về cứ tíu tít như đàn chim háu ăn, mong chờ được mẹ chan cho một bát để ăn cho mau ấm bụng.

Năm nào chị Lan cũng tự gói bánh chưng cho gia đình và để tặng cho bạn bè.
Năm nào chị Lan cũng tự gói bánh chưng cho gia đình và để tặng cho bạn bè.

Không hài lòng với loại bánh phở khô nhập khẩu, chị Lan còn mày mò tự làm bánh phở tươi, và chị đã làm thành công loại bánh phở dai mềm y như trong ký ức của chị về những bát phở "không người lái" ngày ấy. Cô con gái 6 tuổi của chị cũng giúp chị thái bánh phở. Cô bé đáng yêu có đôi mắt to tròn thông minh và nụ cười xinh như thiên thần cũng rất yêu nấu ăn. Cô bé là động lực để chị gìn giữ nét văn hóa và ẩm thực vô cùng đặc trưng của quê hương, là nguồn cảm hứng để chị ghi chép lại những công thức món ăn, chia sẻ những hình ảnh và video hướng dẫn cách nấu những bữa ăn Việt Nam dành cho những người Việt xa xứ. Chị đã tự mình lập ra trang web "bếp người xa xứ" để chia sẻ rộng rãi các công thức và kinh nghiệm nấu ăn, với mong muốn truyền cảm hứng cho những người Việt xa quê trong việc gìn giữ truyền thống quê hương. 

Vì quê chị Lan ở miền Bắc nên chị nhớ rất rõ cái cảm giác lạnh tê tái, mưa phùn giăng mắc ẩm ướt và đêm ba mươi tối sầm khi trời đất chuyển mình chia tay năm cũ, đón chào năm mới. Ấy lại là lúc Brisbane - thành phố chị ở, đang vào những ngày hè nắng chan hòa, có năm có những ngày lên đến 40 độ C. Người người nhà nhà đổ ra biển vì "đặc sản" của tiểu bang Queensland là những bờ biển cát vàng mịn dài tít tắp, nước xanh trong vắt và dòng biển ấm chạy bao quanh, vô cùng lý tưởng cho những chuyến nghỉ mát hấp dẫn.

Chị Lan cùng cô con gái 6 tuổi có chung sở thích nấu nướng giống chị
Chị Lan cùng cô con gái 6 tuổi có chung sở thích nấu nướng giống chị

Thời tiết lúc này vô cùng ngược đời đối với khung cảnh Tết. Tuy vậy, chị Lan vẫn ăn mừng Tết theo cách riêng, bằng những món ăn hợp thời tiết. Chỉ với những quả dừa già bán trong siêu thị, chị khéo léo dùng muôi gõ xung quanh hoặc nướng nhẹ trong lò cho cùi dừa tróc khỏi vỏ và nạy ra dễ dàng. Tiếp đến, chị nạo thành những sợi dừa vừa đủ mỏng, sên dưới lửa nhỏ đến khi mứt dừa khô, rồi xếp thành những bông hoa mứt dừa thơm thảo.

Món quà vặt giản dị, mà sao mang đầy sự khéo léo, tinh tế, và tình yêu thương của người làm ra nó. Như những hạt đường li ti trên miếng mứt dừa thấm dần rồi tan vào miệng một hương vị ngọt ngào, tình yêu với văn hóa Việt Nam và ẩm thực Việt Nam - một nửa dòng máu của các con chị, cứ thấm dần, thấm dần vào các con theo từng món ăn mẹ làm, từng câu chuyện mẹ kể. Để rồi một năm hai lần ăn Tết, chị và các con lại cùng nhau xúng xính trong bộ áo dài, tự hào và kiêu hãnh vô cùng, chụp cho nhau những tấm ảnh kỉ niệm, để sau này lớn lên, các con sẽ luôn ghi nhớ một nửa tâm hồn mình có Mẹ, có Việt Nam.

Cái cảm giác đi giữa Brisbane nhìn thấy đào thắm, đào phai thi nhau nở, trong tiết trời se lạnh, còn ở Việt Nam đang độ cuối hè nóng như lửa, thật là khó tả, thật là trái ngược, thật là "một mình một kiểu". 

Lily Nguyễn – Brisband, bang Queensland