Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, "qua thanh kiểm tra từ năm 2016 đến nay, các đoàn thanh kiểm tra của TP đã kết luận, chỉ rõ. Trong số này, thành phố đã chuyển hồ sơ 10 công trình vi phạm của các cá nhân, tổ chức sang cơ quan điều tra xử lý”.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền cho biết. hiện Hà Nội đang thực hiện 12 kết luận thanh tra về trật tự xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, có 1 kết luận của Thanh tra Chính phủ; 3 kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng; 7 kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội và 1 kết luận thanh tra của Sở Xây dựng.
12 kết luận thanh tra trên đã chỉ ra 25 công trình xây dựng, dự án lớn tại Hà Nội có vi phạm trật tự "xây dựng khủng". Tuy nhiên đến nay Hà Nội mới xử lý xong 4 công trình/dự án, còn 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý.
Theo UBND TP Hà Nội, 10/21 công trình được chuyển sang cơ quan điều tra, có nhiều dự án do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Cổ phần sản xuất – Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư.
Và cũng theo ông Chung, trong 3 năm qua, Hà Nội đã kỷ luật, cách chức 98 cán bộ, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường và cán bộ thanh tra xây dựng. Trong số này, có những vụ việc Hà Nội đã chuyển công an điều tra, xử lý.
"Ông Chung thông tin, theo báo cáo ban đầu của Công an Hà Nội, có những vi phạm có dấu hiệu phạp tội như làm giấy tờ, sổ đỏ để hợp pháp hoá cho các công trình xây dựng vi phạm. Hiện công an Hà Nội đang làm rõ những vi phạm này, sắp tới sẽ công bố kết luận. “Quan điểm của TP là phải làm rõ, xử lý nghiêm tất cả những trường hợp dung túng, bao che liên quan đến hợp thức hoá các công trình sai phạm” – ông Chung nhấn mạnh.
Điều này cũng được thể hiện rõ ràng khi Hà Nội công bố 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015 – 2016. Sau đó 1 ngày, Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Điểm mới của quyết định này là quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là người đứng đầu.
Trong suốt thời gian qua, quá trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn tồn tại. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc, nhiều trường hợp phạm được phát hiện, lập hồ sơ nhưng chưa thể xử lý kiên quyết, kịp thời. Thậm chí, một số cán bộ còn “làm ngơ” hoặc “không kịp thời” phát hiện các sai phạm. Đó là lý do dẫn đến việc để xảy ra sai phạm trên mương Phan Kế Bính dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố - điều làm nóng phiên giải trình và chất vấn của Hả Nội sáng nay.
Ngoài ra, liên quan đến chất lượng của đội ngũ quản lý, Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Huy Sáng cho biết, nhiều năm qua TP Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra công vụ gồm nhiều thành phần như: Sở Nội vụ, Thanh tra TP, sở xây dựng, tư pháp, các ngành liên quan. Trong đó, chức năng kiểm tra, thanh tra công vụ là thanh tra đột xuất không những lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng mà tất cả các lĩnh vực nhằm đảm bảo kỷ cương.
Trong năm 2018, đoàn kiểm tra công vụ đã kiểm tra 45 vụ việc liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP theo các văn bản chỉ đạo của UBND TP, và dự luận xã hội. Qua đó, đã phát hiện và xử lý trách nhiệm nhiều vi phạm.
Riêng năm 2018, Sở Xây dựng đã xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 28 trường hợp công chức thanh tra xây dựng; UBND các quận, huyện cũng đã xử lý theo thẩm quyền 41 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có 31 cán bộ là Chủ tịch và Phó Chủ tịch (20 Chủ tịch, 11 Phó Chủ tịch). Trong số 20 Chủ tịch thì có 1 cách chức, 6 cảnh cáo và 13 khiển trách. Trong 11 Phó Chủ tịch cách chức 01, cảnh cáo 02 và khiển trách 8. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại trong vi phạm quản lý trật tự xây dựng.
Nói về trách nhiệm quản lý, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, “từ khi Thành phố thí điểm theo quyết định 100 cho đến nay tất cả các văn bản đều quy định trách nhiệm đầu tiên trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đô thị là thuộc về Thanh tra Sở xây dựng; các đội quản lý xây dựng các quận, huyện; các ủy ban nhân dẫn phường, xã, thị trấn”.
Nhưng tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) chưa phát huy hiệu quả khi liên tục thay đổi mô hình tổ chức: từ thí điểm có lực lượng TTXD cấp phường xã; sau đó đưa lực lượng này về trực thuộc Sở Xây dựng, cuối cùng lại được bàn giao cho các quận, huyện quản lý. Bên cạnh đó, các đội TTXD còn chưa gắn kết được vai trò trách nhiệm giữa chính quyền các cấp.
Một bộ máy muốn hoạt động đạt hiệu quả cao cần có sự phối kết hợp giữa nhiều người trong tổ chức cùng thực hiện mục tiêu chung. Nguồn nhân lực là chủ thể sáng tạo, có khả năng tham gia chi phối toàn bộ quá trình triển khai công việc, hướng tới mục tiêu cần đạt được. Hy vọng, với sự cương quyết trên của Sở Xây dựng, những “cốt cát” của lực lượng TTXD sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao phó…