4 dự án nhóm A dở dang, TPHCM kiến nghị được quyền “tự quyết”

Hiện TPHCM có 4 dự án nhóm A đang trình “dở dang” để chờ đợi các cơ quan TW, TPHCM mong muốn được trao quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí
4 dự án nhóm A dở dang, TPHCM kiến nghị được quyền “tự quyết”

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 2/7, để bàn về tình hình hội kinh tế xã hội nửa đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo thực hiện ba nội dung quan trọng mang tính quyết sách chiến lược.

Trước tiên là trao cho TPHCM thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù. Được biết, hiện TPHCM có 4 dự án nhóm A đang trình “dở dang” để chờ đợi các cơ quan TW quyết định chủ trương đầu tư công gồm: ba dự án Xây dựng mới Bệnh viện đa khoa của các quận Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và Dự án Nạo vét trục thoát nước Rạch Bà Lớn (giảm ngập cho vùng Nam Sài Gòn).

Tiếp theo là kiến nghị về nhu cầu vốn ODA cấp phát từ ngân sách TW năm 2018. Bởi từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực tới nay, TPHCM chỉ được giải ngân vốn ODA hàng năm theo kế hoạch do Thủ tướng và Bộ KH&ĐT giao.

Tuy nhiên, số này không thể đáp ứng đủ nhu cầu và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố. Đặc biệt là các dự án xây dựng đường sắt đô thị (tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến số 2: Bến Thành - Tham Lương; Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM giai đoạn 2). Vào cuối năm 2017, TPHCM từng báo cáo nhu cầu vốn ODA là 9.006 tỷ đồng nhưng kế hoạch TW giao chỉ là 2.864 tỷ đồng, tức mới đáp ứng hơn 30% nhu cầu. Do vậy TPHCM cho rằng cần được xem xét chỉ đạo tạm ứng vốn ODA từ ngân sách TW để phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Đồng thời cho phép TPHCM giải ngân vốn ODA hàng năm theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài như quy định tại điều 76 của Luật Đầu tư công.

Thay mặt cho đô thị 13 triệu dân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề đạt nguyện vọng sớm nhận được hướng dẫn từ Chính phủ để thực hiện Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (thay cho Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) để TPHCM và các địa phương có cơ sở triển khai hoạt động thu hút đầu tư vào các công trình kinh tế xã hội quan trọng.

Trả lời kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay một số kiến nghị sẽ được các bộ ngành cùng bàn bạc tìm giải pháp, báo cáo Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là những đề xuất liên quan đến tuyến Metro, đảm bảo các công trình trọng điểm dở dang sẽ được bổ sung vốn.

Có thể bạn quan tâm