4 lý do thị trường ngoại hối "lặng sóng"

Trái với diễn biến thông thường, thị trường ngoại hối tiếp tục cho thấy sự ổn định dù đang cận kề cuộc họp lần thứ 4 vào giữa tháng 6 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Mỹ và trước những th
4 lý do thị trường ngoại hối "lặng sóng"

Liệu đây có phải là sự bình lặng tạm thời để chờ con sóng lớn sắp tới?

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ giá trung tâm USD/VND đến ngày 12/6 ở mức 22.408 đồng, tăng 249 đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 1,12%. Biểu đồ bên dưới cho thấy sau khi tăng mạnh 74 đồng trong tháng 4, mức tăng trong tháng 5 đã giảm còn 46 đồng và trong 12 ngày đầu tháng 6 chỉ mới tăng 12 đồng.

Trước đây, tỷ giá USD/VND thường được điều chỉnh tăng nhanh trước mỗi cuộc họp của FED do lo ngại khả năng FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD. Tuy nhiên diễn biến ổn định trong những ngày qua là rất đáng lưu ý dù cuộc họp vào giữa tháng 6 tới của FED sắp sửa diễn ra.

Thậm chí mặc dù tỷ giá trung tâm có điều chỉnh tăng nhưng tỷ giá mua vào tham khảo của Sở Giao dịch NHNN vẫn đứng yên, trong khi tỷ giá mua vào và bán ra của Vietcombank còn đi xuống nhanh trong những ngày cuối tuần qua.

Những diễn biến trong nền kinh tế hiện tại cho thấy sự tác động tiêu cực lên cung cầu ngoại tệ. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 5 tiếp tục nhập siêu 800 triệu USD, nâng tổng mức nhập siêu lũy kế 5 tháng lên hơn 2,7 tỷ USD.

Tình trạng thâm hụt cán cân thương mại như vậy là rất đáng chú ý nếu xét xuất siêu 1,36 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay và sẽ gây sức ép đáng kể lên cầu ngoại tệ.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn ở mức cao trong những tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ 2016 duy trì sự sụt giảm từ đầu năm đến tận tháng 8.

Cụ thể, tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 4 tăng đến 4,64% so với đầu năm, có thể sẽ gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm do đến hạn trả nợ của các doanh nghiệp, nhất là khi theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN của NHNN thì việc cho vay ngoại tệ sẽ chấm dứt vào cuối năm nay và không cho vay lại.

Cần lưu ý nữa là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam kể từ tháng 7/2017 sẽ bị hạn chế, khi các khoản vay ưu đãi có thể chấm dứt và Việt Nam phải chuyển sang vay thương mại theo lãi suất thị trường, khi đó nguồn cung vốn ngoại tệ có thể bị sụt giảm.

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), 5 năm qua Việt Nam đã giải ngân 27,8 tỷ USD nguồn vốn ODA, gấp 3,5 lần giai đoạn 2001 - 2005.

Sự "lặng sóng" của thị trường ngoại hối hiện nay là nhờ vẫn có một số thông tin hỗ trợ.

Thứ nhất là nhờ vào đồng USD trên thị trường quốc tế đang trong xu hướng sụt giảm, cụ thế chỉ số USD Index hiện đang xoay quanh vùng 97 điểm, giảm 6% so với đầu năm.

Trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, đồng USD có xu hướng tăng trở lại trước kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp tới. Tuy nhiên khả năng vẫn có những bất ngờ xảy ra khi mà dữ liệu việc làm trong tháng 5 vừa qua của Mỹ được công bố khá thấp.

Thứ hai là dù cầu ngoại tệ cho nhập siêu lớn nhưng đã phần nào được bù đắp bởi nguồn cung đến từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp từ nước ngoài trong 5 tháng đầu năm đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là giá trị vốn FDI thực hiện 5 tháng qua đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ năm 2016. Với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài thì về lâu dài nguồn cung vốn ngoại tệ đến từ đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Thứ ba là việc NHNN quản lý thị trường ngoại hối linh hoạt ngay từ đầu năm, với việc cho phép tỷ giá trung tâm USD/VND tăng với mức độ vừa phải từ đầu năm đến nay đã giúp thị trường không phải chịu áp lực quá lớn để rồi tăng sốc như trước đây.

Thông tin từ NHNN cho biết có thể xem xét bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá sau khi đã mua vào trong những tháng đầu năm nay là rất quan trọng vì sẽ triệt tiêu động lực đầu cơ ngoại tệ.

Thứ tư là dòng vốn ngoại tệ gửi ngân hàng sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển sang VND khi chênh lệch lãi suất tiền gửi của 2 đồng tiền này vẫn duy trì ở mức cao. Với lượng kiều hối gửi về các năm qua và lượng ngoại tệ đang nằm ở các ngân hàng dưới dạng tiền gửi ở mức cao, thì dòng vốn dịch chuyển này là rất quan trọng để tăng nguồn cung cho thị trường ngoại hối.

Như vậy, trong khi đồng USD trên thị trường quốc tế giảm có thể chỉ mang tính nhất thời, thì sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và sự quản lý linh hoạt, chủ động mua vào và bán ra để can thiệp của NHNN là có tính ổn định dài hạn.

Theo Hồ Lê/ Doanh nhân sài gòn

>>Tín dụng tăng trưởng nóng: Thận trọng với “bong bóng”

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...