4 tập đoàn phải trình phương án cổ phần hóa trước 20/5

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN (DNNN) trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020.
4 tập đoàn phải trình phương án cổ phần hóa trước 20/5

Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất khẩn trương hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 20/5 tới.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại các DN do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tập trung thực hiện việc tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên theo đúng kế hoạch và tiến độ đã được phê duyệt; tuân thủ các quy định hiện hành về chuyển DNNN thành công ty cổ phần.

"Đối với những DN kinh doanh thua lỗ, tồn đọng tài chính kéo dài, không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hoá phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của Nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả, hiệu quả thấp; có cơ chế kiểm soát phù hợp trong việc mua, bán, sáp nhập DN, tránh lợi ích nhóm, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.

Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN; xử lý nghiêm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, người đại diện vốn Nhà nước tại các DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Ban Đổi mới và Phát triển DN (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, tổng cục và các đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm với Bộ về công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc Bộ giai đoạn 2017-2020; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát hiện những vấn đề đột xuất, cấp bách phát sinh để kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ban này cũng chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN thuộc Bộ Công Thương về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9091/VPCP-ĐMDN ngày 25/10/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trong quý II/2017, các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của DNNN cho phù hợp với các luật mới được ban hành (Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN) và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội hằng năm và 5 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và DNNN; ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...