6 nhóm vấn đề trong giám sát an ninh năng lượng

Phát riển năng lượng ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm nhiều ngành kinh tế lớn như điện, than, dầu nên cần phát triển hài hòa chứ không nên tập trung vào một lĩnh vực.
6 nhóm vấn đề trong giám sát an ninh năng lượng

Sáng 24/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.”

Trong Dự thảo kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021", Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề ra 6 nhóm vấn đề cần giám sát:

Một, về cung cầu và an ninh năng lượng: khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Hai, về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện, Quy hoạch than, Quy hoạch dầu khí.

Năng lượng tái tạo phát triển nóng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng
Năng lượng tái tạo phát triển nóng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng

Ba, về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính:tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Bốn, về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Năm, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng: mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Sáu, về một số nội dung khác: hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Cho ý kiến về các nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề về cơ chế chuyển tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, hiện nay các nhà đầu tư đổ xô đầu tư trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió. Cuộc chạy đua này dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, Chính phủ đang thiếu cơ chế chuyển tiếp nên điện sản xuất ra không bán được, không tiêu thụ được.

Hơn nữa, Luật Điện lực sửa đổi cho tư nhân đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện, đây là hướng để gỡ khó cho truyền tải khi năng lượng tái tạo vào quá nhiều nhưng năng lực đường dây truyền tải có hạn. 

Lưu ý những ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc thực hiện chuyển đổi năng lượng phải tập trung các vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng, mỗi thời kỳ có thay đổi riêng phải có điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Về chuyển đổi năng lượng cơ hội nhiều nhưng thách thức rủi ro cũng lớn làm sao tận dụng được cơ hội, khắc phục được rủi ro...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về chính sách năng lượng, ở nước ta phải tạo ra một thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể chính sách liên quan đến phát triển, khuyến khích thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng, bao gồm có cả vấn đề giá và phí.

Có thể bạn quan tâm