Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp thành lập mới có trung bình số vốn đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%.
Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng.
Có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm 50.050 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động mà không đăng kí hoặc chờ giải thể, cho thấy tỉ lệ cao 62,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Đứng thứ nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đứng thứ 2 là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư là việt kiều đã trở về nước đầu tư vào lĩnh vực này.
"Trong 9 tháng đầu năm 2018, số vốn đầu tư FDI chảy vào bất động sản là 5,8 tỷ USD. Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động kinh doanh bất động sản của cả nước tăng 4,04%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong cùng kỳ so sánh 4 năm trở lại đây. Trong số những dự án bất động sản được đầu tư tại Việt Nam, phải kể đến một số lượng lớn các nhà đầu tư là Việt kiều.
Nguồn vốn FDI tăng chứng tỏ những tín hiệu tích cực đến với thị trường. Cách đây khoảng 10 năm, mặc dù số vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng FDI chung rót vào Việt Nam.
Việc bất động sản Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, nguồn hàng bất động sản sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng hơn trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI bất động sản thường đổ vào phân khúc hạng sang. Tuy nhiên, tại Hà Nội, hiện phân khúc trung cấp vẫn là phổ biến, phân khúc cao cấp và tiệm cận hạng sang rất ít.
>> Bất động sản "vững ngôi đầu" thu hút vốn FDI rót vào TP HCM