Lợi nhuận hẻo, cổ phiếu “rau muống”
Niêm yết từ năm 2010 đến nay, nhiều cổ đông NVB đã phải ngậm đắng nuốt cay khi nhìn cổ phiếu này “lao dốc không phanh” giảm từ mức đỉnh 10.010 đồng/CP xuống đáy 3.700 đồng/CP (phiên ngày 29/12/2016). Tức tài khoản của nhà đầu tư, cổ đông ngân hàng NCB đã bị “cháy” mất tới 63% giá trị tài sản chứng khoán.
Suốt 5 tháng nằm ở mức đáy 4.600 đồng/CP, từ ngày 25/5 đến nay, cổ phiếu NVB bắt đầu chuỗi ngày tăng giá “phi mã” tới 76%, lên mức tới 8.100 đồng/CP dù khối lượng khớp lệnh rất thấp. Trong đó, có 4 phiên gần đây NVB liên tục tăng trần khiến cho giới đầu tư sửng sốt. Không có bất kỳ biến động nào hay tin hỗ trợ tích cực về ngân hàng NCB được công bố ra thị trường.
Trước đó, sự lao dốc của cổ phiếu NVB đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kết quả kinh doanh năm 2016 không khả quan. Theo BCTC hợp nhất năm 2016 (đã kiểm toán), ngân hàng NCB ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 952,8 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác 150,2 tỷ đồng… Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ tới 60,3 tỷ đồng.
Cả năm lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt hơn 211 tỷ đồng, song do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 82,7 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 13,55 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn… 10,8 tỷ đồng. Và NCB nằm ở cuối bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2016 của khối ngân hàng.
Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu của ngân hàng vốn hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại được xếp vào nhóm cổ “trà đá, rau muống” này?
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ vừa qua về kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, ông Lê Xuân Nghĩa – Thành viên HĐQT độc lập của NCB đánh giá “đây là kế hoạch táo bạo nhưng khả thi”. Theo ông Nghĩa, ngân hàng đã ký thỏa thuận với một đối tác của Mỹ về việc tư vấn phát hành và dự kiến bán phần lớn cổ phần cho đối tác nước ngoài. Còn một phần sẽ phát hành cổ phiếu cho đối tác trong nước. |
Theo giới đầu tư, cổ phiếu NVB bất ngờ “nổi sóng” với nhiều phiên kéo giá cổ phiếu đi lên có thể là bước chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu của ngân hàng NCB. Trước đó, ĐHCĐ thường niên vào tháng 4/2017 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của NCB thêm 3.000 tỷ đồng trước ngày 30/4/2018. Ngân hàng sẽ tăng vốn nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi và nhận góp vốn từ các cổ đông mà NCB đang trông chờ ở các đối tác nước ngoài.
Như trường hợp cổ phiếu HAG cũng bất ngờ tăng từ đáy 5.000 đồng/CP lên vượt trần trước đợt phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho các trái chủ. Liệu kịch bản “thổi giá” cổ phiếu trên sàn của HAG có lặp lại ở ngân hàng NCB hay không?
Hơn 5.800 tỷ đồng nợ xấu “dọn dẹp” ra sao?
Từng thuộc sở hữu của nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm, Navibank nằm trong nhóm 9 ngân hàng yếu kém đầu tiên buộc phải tái cơ cấu trước nguy cơ cho phá sản, hoặc sáp nhập. Song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Navibank tự tái cơ cấu thay vì bị sáp nhập. Vì đến hết quý 2/2013, Navibank ghi nhận lỗ hơn 11,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu vượt mức 6,11% dư nợ, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn hơn 487 tỷ đồng.
Sau khi nhóm Đặng Thành Tâm thoái vốn, nhóm cổ đông mới vào tiến hành tái cơ cấu tự tái cấu trúc Navibank và tháng 1/2014 đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân- NCB. Nhà băng này cũng từng xin huỷ niêm yết cổ phiếu NVB hồi năm 2013 và từ đây bắt đầu chuỗi ngày lao dốc của cổ phiếu.
Sau 3 năm rưỡi tái cơ cấu, đến nay NCB đã hoạt động ổn định, đảm bảo thanh khoản và chuẩn bị kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ. Thế nhưng, kết quả kinh doanh ảm đạm, khối nợ xấu lớn sẽ là rào cản khó khăn cho việc tăng vốn tới đây.
Theo BCTC năm 2016, dư nợ cho vay của NCB tăng hơn 24% so với năm trước lên mức 25.352 tỷ đồng. Trong đó, xấu giảm nhẹ còn 376,4 tỷ đồng, chiếm 1,48% dư nợ, song chiếm quá nửa gần 204 tỷ đồng là nợ xấu có nguy cơ mất vốn - tức gấp tới 19 lần số lãi ròng của NCB năm vừa qua.
Song đây mới chỉ là “bề nổi” của bức tranh tín dụng ở NCB. Bởi nhà băng này đã “bơm” tới gần 7.893 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp thông qua hình thức đầu tư trái phiếu. Trong đó, nổi lên một vài công ty từng làm ăn bết bát, thua lỗ như CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (mua 350 tỷ đồng trái phiếu), hai công ty của Hoàng Anh Gia Lai (mua 600 tỷ đồng trái phiếu)… Dù không tiết lộ chi tiết xử lý nợ xấu của nhóm này, song báo cáo cho thấy NCB đã phải “giải cứu” khối nợ xấu này bằng cách gia hạn thu hồi nợ đến cuối năm 2018.
Trước đó, để “dọn dẹp” nhanh nợ xấu trên sổ sách, NCB đã phải bán nợ sang cho công ty VAMC, ghi nhận giá trị trái phiếu hơn 5.822 tỷ đồng. Theo quy định, NCB phải thực hiện trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC là 20% giá trị mỗi năm và với số trái phiếu nêu trên, ngân hàng phải trích dự phòng hơn 1.164 tỷ đồng trong năm 2016.
Với số lãi ròng chỉ 10,8 tỷ đồng năm qua thì khoản dự phòng tới nghìn tỷ cho trái phiếu VAMC không rõ đã “ẩn nấp” ở đâu trên BCTC của NCB?
Công ty Inpact – đơn vị kiểm toán BCTC năm 2016 của NCB đã lưu ý về các vấn đề cho vay, mua bán nợ và trích dự phòng trái phiếu VAMC của ngân hàng.
Hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu đang “gửi” ở VAMC cũng khối nợ tồn đọng, phát sinh trong hoạt động tín dụng đã và đang là thách thức không hề nhỏ với ban lãnh đạo NCB.
|
>> NCB sẽ tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, phát hành cho đối tác ngoại?