AI - “Nhân đôi áp lực” hay “chìa khoá vạn năng”?

Khi cơ sở hạ tầng đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ thì trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhân đôi áp lực hoặc trở thành chìa khoá giải quyết các vấn đề - Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự thích ứng của doanh nghiệp trước thời cuộc...

Hầu hết các sự cố gián đoạn bắt nguồn từ tình trạng tắc nghẽn, các cuộc tấn công mạng và lỗi cấu hình nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, với cơ sở hạ tầng phù hợp, doanh nghiệp không chỉ duy trì hiệu suất ổn định mà còn xây dựng nền tảng cho những bước phát triển chiến lược trong tương lai.

BIẾN MỌI MỤC TIÊU THÀNH HIỆN THỰC

Cùng với sự phổ biến của các thiết bị được kết nối, yêu cầu hoạt động 24/7 và các mối đe dọa bảo mật đang ngày càng gia tăng đã thúc đẩy cơ sở hạ tầng mạng thích ứng và phát triển. Điều đó khiến các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin buộc phải nhìn nhận lại vai trò của mạng - không chỉ là một công cụ vận hành mà là yếu tố chiến lược đang định hình giá trị và khả năng phát triển lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai. Nghiên cứu toàn cầu mới từ Cisco cũng đã hé lộ một cuộc chuyển dịch lớn trong kiến trúc mạng doanh nghiệp.

Cụ thể, 100% doanh nghiệp Việt đánh giá mạng hiện đại là điều kiện tiên quyết để triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và đám mây. Với niềm tin đó, nên hiện có 99% nhà lãnh đạo có kế hoạch tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách công nghệ thông tin vào việc đầu tư hạ tầng mạng.

100% doanh nghiệp Việt cũng cho rằng mạng an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển doanh nghiệp; 76% thì nhận định đây là yếu tố sống còn. Trong khi đó, có 99% tin rằng việc nâng cấp sẽ tăng cường khả năng bảo mật mạng của tổ chức.

99% nhà lãnh đạo cũng khẳng định, mạng lưới có khả năng phục hồi cao là rất quan trọng, đặc biệt trước bối cảnh 66% doanh nghiệp đã từng đối mặt với sự cố nghiêm trọng về an toàn mạng.

Cuộc chuyển dịch lần này cũng ghi nhận việc các nhà lãnh đạo kỳ vọng trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, với 67% cho biết tác động lớn nhất của mạng đến từ việc triển khai các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) - cho phép khách hàng có thể trải nghiệm nhanh hơn, cá nhân hóa hơn, từ đó, củng cố sự trung thành và thúc đẩy tăng trưởng.

Các chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại cơ sở hạ tầng điện toán. Do đó có 95% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng năng lực tại chỗ, trên đám mây hoặc kết hợp cả hai.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo muốn làm cho mạng thông minh hơn. Hiện có 33% đã triển khai đầy đủ các năng lực thông minh như phân đoạn mạng, khả năng quan sát và kiểm soát – để giúp cho mạng của họ có khả năng thích ứng linh hoạt.

Nhận định về sự chuyển dịch này, ông Nguyễn Như Dũng, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ: “Mạng chính là nền tảng then chốt giúp biến mọi mục tiêu thành hiện thực. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu trong tương lai và bảo vệ doanh nghiệp trước những mối đe doạ ngày càng tinh vi, hạ tầng mạng ngày nay cần phải nhanh hơn, thông minh hơn và bền bỉ hơn. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về việc hiện đại hoá hệ thống mạng chính là chìa khoá thúc đẩy tăng trưởng và thành công trong tương lai”.

ÁP LỰC TỪ VIỆC RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH

Hiện nay, các nhà lãnh đạo đã bắt đầu tạo ra những giá trị kinh tế rõ rệt từ hạ tầng mạng, chủ yếu thông qua nâng cao trải nghiệm của khách hàng (62%), tăng hiệu quả vận hành (77%) và thúc đẩy đổi mới sáng tạo (53%). Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Cisco, phần lớn giá trị đó sẽ không bền vững nếu cơ sở hạ tầng mạng chưa được thiết kế phù hợp cho trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc khả năng mở rộng theo thời gian thực.

Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng và mục tiêu tiết kiệm chi phí như kỳ vọng, các nhà lãnh đạo đã xác định những khoảng cách quan trọng mà họ phải thu hẹp như: hệ thống vận hành rời rạc (58%), triển khai chưa hoàn chỉnh (46%) và phụ thuộc vào việc giám sát thủ công (44%).

Nghiên cứu gần đây của Cisco cũng cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu đang cùng quan điểm với các doanh nghiệp Việt về tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong kỷ nguyên AI. 97% nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang mở rộng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và 78% dựa vào Giám đốc công nghệ (CTO) hoặc Giám đốc thông tin (CIO) của họ để đưa ra quyết định đầu tư. Và chính họ cũng nhận ra các rủi ro khi có 74% cho biết, cơ sở hạ tầng lỗi thời đang kìm hãm đà tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo báo cáo thị trường của Savills, tính đến cuối quý I/2024, cả nước có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khu vực phía Bắc và phía Nam chiếm 94% nguồn cung trung tâm dữ liệu hiện có. Các doanh nghiệp trong nước như Viettel, VNPT, FPT Telecom và CMC Telecom đang nắm giữ 97% thị phần và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là sự chuẩn bị cấp thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận và phát triển các công nghệ tiên tiến. Nếu doanh nghiệp chậm chân trong đổi mới công nghệ sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự đẩy mình vào thế tụt hậu đầy rủi ro.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, những khoảng cách trong sự hiểu biết của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) có nguy cơ phá vỡ chiến lược phát triển và kìm hãm sự tăng trưởng. Do đó các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự kết hợp giữa kiến ​​thức, một nền tảng an toàn và hiện đại, cùng các đối tác đáng tin cậy bên cạnh để biến trí tuệ nhân tạo (AI) thành “chìa khoá vạn năng” giúp doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm