Báo cáo về thực hiện quy hoạch sân golf tại TP HCM

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM (QHKT) vừa có văn bản 5915 báo cáo UBND TP HCM về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn.
Báo cáo về thực hiện quy hoạch sân golf tại TP HCM

Theo Sở QH-KT, năm 2014, Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020.

Theo đó TP HCM định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf gồm: sân GS Củ Chi (xã Tân Thông Hội), khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), sân golf Lâm Viên (quận 9), sân golf tại khu hỗn hợp sân golf thể thao, nhà ở tại phường An Phú (quận 2), sân golf Sing-Việt (Bình Chánh). 

"Theo báo cáo của Sở QH-KT, trong năm sân golf nêu trên, hiện đã xóa quy hoạch và điều chỉnh chức năng của hai sân goflf là sân tại phường An Phú, quận 2 và tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sân golf ở quận 2 đã được Chính phủ cho chuyển công năng thành khu đô thị Sài Gòn Bình An vào năm 2015.

Trong đó, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô gần 160ha. Năm 2010 được quy hoạch với chức năng là sân golf 36 lỗ kết hợp các dịch vụ đa dạng như vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê và công trình công cộng.

Tháng 8/2018, Bộ Giao thông-Vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó sẽ thu hẹp diện tích sân golf thay bằng việc bố trí nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết. 

Riêng sân golf GS Củ Chi đã điều chỉnh giảm quy mô từ 36 lỗ (200ha) xuống còn 18 lỗ (90ha). Sân golf Sing-Việt có quy mô 70ha tại xã Lê Minh Xuân đang trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch 1/500, chưa triển khai xây dựng công trình.

Sân golf Lâm Viên, quận 9 có quy mô 300ha đang hoạt động. Dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 đã được Chính phủ cho chuyển công năng thành khu đô thị Sài Gòn Bình An vào năm 2015. 

Năm 2016, UBND TP HCM đã có báo cáo Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét, tổng hợp trình Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục quy hoạch phát triển sân golf trên địa bàn TP tại xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Theo đó, sân golf này có quy mô hơn 135ha. Đến tháng 10/2018, Sở QH-KT đã hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch này vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Sân golf Cần Giờ thuộc địa phận xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ. Tổng mức đầu tư theo đề xuất của Công ty Đô thị Du lịch Cần Giờ khoảng 900 tỷ đồng, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay…

Phần đất thực hiện dự án là đất tạo lập mới do lấn biển, không phải đất nông nghiệp, không thuộc đất quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. 

Trước đó dự án sân golf quy mô 200ha tại phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) cũng được chuyển đổi chức năng thành khu dự án nhà ở, nay là Khu đô thị Đại Phúc.

Sở QH-KT cũng đánh giá, ngoài những mặt tích cực như khi dự án sân golf đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm, hình thành điểm du lịch cho người có thu nhập cao, hoặc khách du lịch kết hợp chơi golf. Trên thực tế, có những hạn chế như vấn đề ô nhiễm môi trường do các hóa chất trồng cỏ chảy xuống mạch nước ngầm, lan vào khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. 

Đánh giá về điều kiện sử dụng đất để xây dựng sân golf, Sở QH-KT cho rằng có thể xem xét sử dụng đất lúa có năng suất thấp để chuyển mục đích sang làm sân golf. Điều kiện kèm theo là phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.

Sở QH-KT cũng đưa ra cảnh báo, do sân golf là một loại hình dịch vụ cao cấp không dành cho đa phần dân cư, dự án này thường sử dụng nhiều đất đai. Do đó điều kiện đầu tư kinh doanh phải hết sức chặt chẽ, tránh lãng phí quỹ đất và việc quy hoạch sân golf cần được tính toán hợp lý. Tránh việc quy hoạch sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị với lý do kinh doanh không hiệu quả.

 >>TP HCM xin Thủ tướng chấp thuận cho xây sân golf Cần Giờ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...