Bị từ chối tăng tín dụng: Ngân hàng làm gì để ra tiền?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái siết chặt tín dụng. Theo đó, Thống đốc NHNN không chấp thuận với đề nghị tăng tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào.
Bị từ chối tăng tín dụng: Ngân hàng làm gì để ra tiền?

Ðừng làm đơn bởi sẽ bị từ chối

Mới đây, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho hay, sẽ điều chỉnh toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh như: Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 được điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng; Tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%...

Ông Thắng đưa ra hai lý do chính: NHNN không cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; Việc mở rộng mạng lưới khiến chi phí gia tăng. “Điều này khiến ngân hàng không thể cán đích lợi nhuận như dự kiến”, ông Thắng nói.

Các ngân hàng khác trong tình cảnh hết “quota” nới room tín dụng. Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2018 của 22 ngân hàng đã công bố thấy, hầu hết các ngân hàng đều đạt tăng trưởng trong hoạt động cho vay khách hàng (chỉ có một ngân hàng sụt giảm là Eximbank). Trong đó, 11/23 ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng từ 10% trở lên. TPBank, HDBank và LienVietPostBank là 3 ngân hàng dẫn đầu về chỉ tiêu này với tăng trưởng tương ứng 16,3%; 15,2% và 13,8%. Tiếp theo sau là các Ngân hàng SCB, ACB, Vietcombank, MBBank (đều trên 11%); Kienlongbank, Việt Á, VietBank, NCB (từ 10% trở lên). Nhóm ngân hàng tăng trưởng cho vay thấp nhất có SHB, Techcombank, Bản Việt, Eximbank.

Lãnh đạo một ngân hàng kể: Một lãnh đạo cấp vụ ở NHNN nói thẳng là các ngân hàng đừng xin thêm chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng nữa bởi chắc chắn sẽ bị từ chối. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Quân lệnh như sơn” không thay đổi quan điểm điều hành. “Kiểm soát tăng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là việc rất quan trọng. NHNN sẽ không chấp thuận cho ngân hàng nào tăng tín dụng, ngoại trừ nhà băng xung phong tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Hết room, làm gì để ra tiền?

Theo cơ chế trước đây, chốt số liệu tháng 6, các ngân hàng sẽ làm đơn xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Quyết định trên của NHNN năm nay chắc chắn làm “đau đầu” một số ngân hàng đã tiêu gần hết quota tín dụng đã nhận từ đầu năm. Một lãnh đạo cấp vụ ở NHNN bật mí rất có thể tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay không đến ngưỡng 17%  như dự kiến từ đầu năm, bởi căn cứ trên nhu cầu vốn thực của nền kinh tế. “Dòng vốn ngân hàng sẽ chỉ tập trung vào sản xuất; tín dụng cho bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng sẽ được thắt. Có thể sẽ có thanh kiểm tra đột xuất các nhà băng”, vị này khẳng định.

Trước đó vào đầu năm, NHNN đã công bố mục tiêu điều hành tín dụng với tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2018 là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt khoảng 7,88% so với cuối năm 2017, thấp so với mức 9,06% của cùng kỳ năm 2017. Việc ngân hàng không được tăng cung tiền, Vụ trưởng Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế (NHNN) Vũ Quốc Hùng khẳng định đây là điều chắc chắn xảy ra.

Cùng đó, tại chỉ thị 04 mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng một lần nữa yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém).

Với động thái điều hành như vậy của NHNN, các ngân hàng thương mại không còn nhiều chỉ tiêu cho vay sẽ làm gì để kiếm nguồn thu và lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm 2018? Lãnh đạo các ngân hàng LienVietaPostBank và HDbank khẳng định vẫn còn những nguồn thu tốt khác nên không quá lo về chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, tổng giám đốc một nhà băng gần hết room tín dụng cho biết, giải pháp của ngân hàng ông là sẽ cơ cấu lại tín dụng với các khoản vay khách hàng lớn đến hạn, ưu tiên cho bán lẻ ngắn hạn. Ngoài ra, ngân hàng cũng đẩy mạnh nguồn thu từ bán bảo hiểm.

Theo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...