Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mức chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng

Trong văn bản góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng nhằm đảm bảo minh bạch, ngăn chặn thao túng giá…

Theo Bộ Công an, dự thảo sửa đổi Nghị định 24 quy định việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng chưa đề cập cụ thể đến cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng.

Trên cơ sở này, Bộ Công an đề nghị xem xét bổ sung ba nội dung chính.

Thứ nhất, cần quy định cụ thể việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có quy trình và giải trình được cơ chế thiết lập giá, thay đổi giá trong ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá, bao gồm cả dữ liệu điện tử.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế cho phép cơ quan quản lý có thể can thiệp vào thị trường vàng khi cần thiết, bao gồm các cơ chế can thiệp vào giá mua – giá bán và cơ chế can thiệp vào cung – cầu thị trường vàng miếng.

Thứ ba, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng nhằm đảm bảo minh bạch thị trường và ngăn chặn hành vi thao túng giá. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có quy trình rõ ràng trong thiết lập và điều chỉnh giá trong ngày; đồng thời lưu trữ đầy đủ chứng từ, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động định giá.

Giải trình đối với các kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ theo Luật Giá năm 2012 (sửa đổi năm 2023), vàng không phải là mặt hàng thiết yếu và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá. Giá mua, bán vàng do các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng quyết định trên cơ sở cung – cầu thị trường và quy định của pháp luật.

Về cơ chế can thiệp, Ngân hàng Nhà nước dẫn các quy định tại Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối.

Trong nội dung góp ý thứ hai, Bộ Công an cho biết dự thảo quy định cho phép các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng nhưng không đề cập cụ thể đến biện pháp để các đơn vị này có thể cân trạng thái vàng, chốt giá vàng trong ngày nhằm phòng ngừa rủi ro khi giá thế giới biến động mạnh.

Bộ Công an nhận định ngành vàng là lĩnh vực có rủi ro phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Nếu không có cơ chế “phòng thủ giá” thì vào thời điểm giá vàng thế giới tăng cao, việc nhập khẩu, sản xuất vàng sẽ gặp rủi ro lớn, nhất là với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Do đó, Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung ba quy định để doanh nghiệp không phải gánh toàn bộ rủi ro thị trường trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, phân phối vàng miếng.

Một là, cho phép các đơn vị có cơ chế cân/chốt giá hàng ngày.

Hai là, có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và giá vàng biến động, ví dụ như cho phép sử dụng công cụ phái sinh hoặc cơ chế ứng phó theo chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có quy định pháp luật về việc cung ứng sản phẩm phái sinh của các tổ chức tín dụng. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, nghiên cứu sửa đổi hoặc bổ sung các quy định liên quan nếu cần thiết.

Trong văn bản góp ý của mình, Agribank và BIDV đề xuất bổ sung các quy định pháp lý cho phép tổ chức tín dụng phát hành "Chứng nhận sở hữu vàng hoặc "Ấn chỉ sở hữu vàng" thay cho việc giao nhận vàng vật chất tại thời điểm giao dịch.

Theo đó, cho phép tổ chức tín dụng phát hành "Chứng nhận sở hữu vàng" cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao nhận vàng vật chất ngay tại thời điểm đó. Bổ sung quy định về "Ấn chỉ sở hữu vàng"l; trong đó việc giao nhận vàng có thể thực hiện vào một thời điểm khác trong tương lai, căn cứ theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng. Nội dung này cần được quy định rõ trong "Chứng nhận"/"Ấn chỉ".

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu ban hành hướng dẫn liên quan đến nội dung này, trong đó có việc xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn tại các tổ chức tín dụng.

Có thể bạn quan tâm