Bộ KH&ĐT đề xuất gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn 3-4% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Bộ KH&ĐT đề xuất gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn 3-4% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid - 19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời. Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh; kích cầu nội địa, mở rộng thị trường; tăng cường tiếp cận tài chính; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường liên kết doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng Bộ Tài chính sẽ cùng xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3 - 4%/năm trong thời hạn ít nhất là 1 năm. 

Đối tượng hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi COVID-19; doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng. Đối với các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, cần phải có các gói cứu trợ tương xứng.

Do đó, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không, giáo dục trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm. Ước tính riêng đối tượng doanh nghiệp ngành hàng không quy mô gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ Bộ Tài chính cần rà soát và sửa đổi Nghị định số 34 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; theo hướng tăng tỉ lệ được bảo lãnh của mỗi khoản vay, giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh, đơn giản hóa thủ tục bảo lãnh, kéo dài thời gian bảo lãnh, mở rộng phạm vi, đối tượng bảo lãnh tín dụng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ cũng xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm