Cần chặt đứt sợi dây tư bản thân hữu
“Chính phủ và Quốc hội đang phải thẩm định rất nhiều để sàng lọc các điều kiện kinh doanh này để không cản, cấm doanh nghiệp, người dân”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng: Chính phủ đang nhấn mạnh và hướng đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội, nhưng quan trọng nhất hiện nay là chi phí thực thi pháp luật.
Chẳng hạn, việc giải quyết tranh chấp hiện nay thông qua hệ thống pháp luật, nhưng năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam rất hạn chế, mà đầu tiên là do vai trò của tòa án.
Ông Dũng chia sẻ thêm, cản trở thực thi Nhà nước kiến tạo còn do vướng mắc dẫm chân nhau trong chuyện phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Hiện nay, phân quyền hết sức chồng chéo, trách nhiệm cuối cùng là chưa rõ.
Trở ngại về pháp luật cũng khiến bất bình đẳng trong kinh doanh đang gia tăng, ông Dũng khẳng định: Phải bảo đảm doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước công bằng để phát triển, công bằng nhất là các doanh nghiệp phải được đối xử công bằng như nhau, được phân bổ nguồn lực như nhau hoặc không tạo ra rào cản ưu đãi nào đó nhằm cản trở, khu biệt doanh nghiệp.
"Chủ nghĩa tư bản thân hữu là vấn đề rất lớn của nền kinh tế. Chúng ta phải làm thế nào để cắt sợi dây này, làm thế nào để không còn và không lợi dụng thân hữu để kinh doanh và vụ lợi", TS Dũng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đang đứng trước thách thức trong bối cảnh thế giới biến động và nội tại nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để vượt qua thách thức phát triển tốt hơn?
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của Chính phủ.
“Thay đổi này hơn hết là việc thực hiện bằng hành động cụ thể”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, chính phủ điện tử ngày càng được xem là công cụ hữu hiệu để các chính sách quản lý nhà nước phát huy hiệu quả hơn, trong đó có việc cung cấp các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp và người dân.
Động lực phát triển đang tới hạn
Theo ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 30 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế nhanh là một thành tựu rất lớn của Việt Nam, góp phần đưa đất nước trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp năm 2009.
Tuy nhiên, “các động lực phát triển đang tới hạn, do đó, Việt Nam cần tìm ra những động lực mới mang tính căn cơ hơn nữa, đặc biệt về thể chế”, ông Vinh nói.
Nguyên Bộ trưởng cũng nêu hàng loạt thách thức với Việt Nam, mà trước hết là thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng của Việt Nam còn rất “ngắn ngủi”, chỉ còn 5-10 năm nữa.
Cùng với đó, tăng trưởng năng suất đã trên đà giảm xuống chỉ còn 4,5% như hiện nay, trở thành thách thức đối với tăng trưởng và việc làm đến năm 2035.
Hội nhập sâu hơn về kinh tế đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Nếu tận dụng tốt sự tiến bộ về khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh và tạo ra những bước nhảy vọt. Ngược lại, nếu không tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thì kinh tế Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng, sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Theo dự báo, tỷ lệ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ chiếm đến 50-60% dân số vào năm 2035, so với 10% hiện nay. Điều này tạo ra chuyển đổi rất lớn về nhu cầu, ông Vinh nói.
Theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, xây dựng một nhà nước kiến tạo cần phân công rõ ràng chức năng và nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực, để tránh tình trạng độc quyền và chồng chéo, để làm sao quá trình đưa ra quyết định được nhanh chóng và không để lỡ cơ hội.
Hơn nữa, cần tăng cường năng lực của Nhà nước, để Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và tránh can thiệp chi tiết. Nếu can thiệp sâu sẽ gây hại đến nền kinh tế, ông Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần xây dựng khuôn khổ pháp luật hợp lý và bao quát, để khi quá trình phát triển bị chệch hướng thì Nhà nước thực hiện điều chỉnh thông qua khung pháp luật chứ không bằng chỉ thị, ông Vinh nói thêm.
Theo Thanh Hằng/VGP