Bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: Vẫn chưa đủ

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo ngay đầu tháng 1/2017 được đánh giá khá cao
Bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: Vẫn chưa đủ

Những tác động của chính sách này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

 
Cơ hội tăng tính chủ động của doanh nghiệp

Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Đánh giá tác động của quyết định này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp có năng lực nâng cao tính sáng tạo, chủ động tiếp cận thị trường trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang hết sức trầm lắng hiện nay. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ điều kiện xuất khẩu gạo rất phù hợp với xu thế cải cách hành chính, đi vào thực chất của “Chính phủ kiến tạo.” Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tính sáng tạo, tự chủ cao hơn để đối mặt với thị trường.

Trong vài năm gần đây, xu hướng tự do trong thương mại gạo ngày càng rõ ràng, thay vì nhập khẩu gạo thông qua các hợp đồng tập trung, nhiều nước đang chuyển hướng sang thị trường tự do. Nếu như năm 2015, xuất khẩu gạo sang Philippines theo hợp đồng tập trung lên đến 1 triệu tấn thì năm nay, con số này chỉ dừng lại ở mức 150.000 tấn.

Xuất khẩu gạo trong năm 2016 ở các thị trường chính, thường nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung cũng giảm mạnh. Trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo sang Philippines giảm 65%, Malaysia giảm 48,1%, Indonesia giảm 21,9%...

“Trong bối cảnh xu hướng thị trường tự do của ngành gạo thế giới đã xuất hiện khá rõ ràng như hiện nay thì ngành lúa gạo Việt Nam nếu không thay đổi thì khó có thể thích nghi và tăng trưởng hiệu quả trong thời gian tới. Do vậy, quyết định của Bộ Công Thương được xem là rất kịp thời để doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gạo tăng tính sáng tạo, chủ động nhằm tiếp cận thị trường thế giới,” ông Huỳnh Thế Năng cho biết.

Vẫn còn phụ thuộc vào Nghị định 109

Cách đây gần 3 năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May (Đồng Tháp) tìm được đối tác nhập khẩu gạo tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng xuất khẩu, Cỏ May đã bị đối tác Singapore từ chối vì cho rằng doanh nghiệp này chỉ là “cò,” do không có giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp.

Điều này bắt nguồn từ việc Cỏ May không đủ điều kiện về kho chứa theo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nên không được cấp phép xuất khẩu.

Để giải quyết bài toán này, Cỏ May sẽ phải thuê một doanh nghiệp có kho, nhà máy xay xát đủ tiêu chuẩn quy định để thông qua đó xuất khẩu. Việc này đã khiến gạo xuất khẩu của Cỏ May đội chi phí thêm 2 USD/tấn.

Chưa hết, công ty này còn phải sang Singapore lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore và nhập gạo của chính mình, nhưng qua một đối tác ủy thác xuất khẩu.

Theo ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May, việc phải đi “lòng vòng” như trên khiến Cỏ May không dám mở rộng xuất khẩu, khó tiếp cận được các đối tác lớn. Do đó, doanh nghiệp chỉ “làm cầm chừng” chứ khó mở rộng phát triển hơn nữa.

Với những khó khăn này, ông Phạm Minh Thiện cho rằng, quyết định bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương giúp cho những doanh nghiệp như Cỏ May có chút “nhẹ nhõm” hơn. Tuy nhiên, ngoài quy định này, hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp cũng đang bị “trói buộc” Nghị định 109.

Do vậy, để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì vẫn còn phải chờ động thái điều chỉnh sửa đổi hoặc bãi bỏ Nghị định 109 từ Chính phủ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gạo Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo là động thái khá tốt của Bộ Công Thương trong bối cảnh xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh, tạo hành lang thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này chỉ giảm bớt một số gánh nặng cho các doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu gạo có trong Quyết định 6139/2013 phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo, như không “bó buộc” trong 150 đầu mối xuất khẩu gạo, chạy theo thành tích để đảm bảo tiêu chí thành tích xuất khẩu…

Trong khi đó, khó khăn lớn nhất được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo quan tâm chủ yếu là những điều kiện nằm trong Nghị định 109 hiện hành. Chẳng hạn, muốn xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có kho chứa ít nhất 5.000 tấn; có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất 10.000 tấn/giờ…

Đây là những rào cản rất lớn để các doanh nghiệp muốn làm gạo thương hiệu có giá trị cao nhưng không đủ vốn để đầu tư kho, nhà máy rộng, công suất lớn.

Như vậy, việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo không có tác động nhiều. Để tạo hành lang thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động như hiện nay, rõ ràng vẫn cần sự điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 109 phù hợp với điều kiện thực tế./.

Theo Hứa Chung/TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm