Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản tại Luật quản lý thuế hiện hành liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hoạt động thương mại điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, giữa thành phố với nông thôn, từ nước này sang nước khác, hay nói cách khác là không bị giới hạn bởi không gian địa lý.
Điều này cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian gặp mặt trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng.
Theo Bộ Tài chính, ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng.
Luật quản lý thuế hiện nay đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và thương mại điện tử.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.
Theo đó, tại dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Chương về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online.
Đồng thời, tổ chức bộ phận ở Tổng cục Thuế để rà soát, nắm bắt các giao dịch kinh doanh thương mại điện tử, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử...
Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản tại Luật quản lý thuế hiện hành liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.
Trong đó, đối với Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện giải pháp để phát triển thanh toán thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, Youtube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Đối với các Bộ ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…: Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử theo chức năng nhiệm vụ của các Bộ.
Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. |