Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Dũng đã nhấn mạnh, có 3 lý do khiến Chính phủ kiên quyết với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, Bộ trưởng cho biết đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như Nghị quyết Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Do đó, là năm bản lề quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, xuất phát từ chính nhu cầu của Việt Nam, phải phát triển nhanh để chống tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Thứ ba, nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư phát tiển cho các giai đoạn sau cũng như duy trì ổn định các cân đối lớn như: nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, chi an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Từ đó góp phần cho ổn định xã hội, chính trị.
Chính vì vậy, việc Chính phủ quyết định bổ sung khai thác thêm 1 triệu tấn dầu là nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc khai thác dầu hiện nay là nhằm chớp lấy thời cơ giá dầu thế giới đang hồi phục.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã xác định tăng trưởng kinh tế vĩ mô một cách bền vững là mục tiêu hàng đầu; quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng “không tăng tưởng bằng mọi giá” và không đánh đổi môi trường hay bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng.
Từ đầu năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu khai thác 12,28 triệu tấn dầu. Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu phục hồi tốt và khả năng “vẫn còn có thể khai thác được” nên Chính phủ đã quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm, bổ sung thêm 1 triệu tấn dầu cho tăng trưởng. |
Chính vì vậy, "chúng tôi nghĩ điều này sẽ tốt cho nền kinh tế chứ không đến mức khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Xin báo cáo để Quốc hội yên tâm”, ông Dũng khẳng định.
Về các giải pháp khác, tại Chỉ thị 24 của Chính phủ mới ban hành đã giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành, từ đó có từng giải pháp cụ thể. Có hai nhóm giải pháp chính, trong đó, giải pháp lâu dài là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải cách thể chế và tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường và tăng năng lực sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng phân tích thêm, bối cảnh quốc tế và trong nước cũng đã có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Cụ thể, nông nghiệp có khả năng đạt 3,05%, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 13%, xuất khẩu là 10%, tiêu dùng đạt 10%, dịch vụ là 7,79%...
Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư có nguồn từ ngân sách nhà nước cũng đã được đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân các nguồn vốn tư nhân, vốn FDI. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành chuẩn bị đi vào sử dụng cũng sẽ đóng góp cho tăng trưởng những tháng cuối năm.