Từ sáng sớm ngày Thần Tài, cảnh tượng người dân đội mưa xếp hàng dại tại các khu phố vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hà Trung… lại tái diễn. Cũng như các năm trước, giá vàng lại được một ngày tăng “điên loạn” với tình trạng khan hiếm vàng tạm thời tại các nhà vàng.
Mặc dù giá vàng thế giới vẫn lình xình, giá vàng trong nước hôm 10 tháng Giêng lại bất ngờ tăng cao và mỗi doanh nghiệp lại niêm yết giá vàng khác xa nhau.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá giao dịch vàng cao hơn hẳn các doanh nghiệp khác vài trăm nghìn đồng mỗi lượng, trong đó mua vào ở mức 36,80 triệu đồng/lượng bán ra 37,05 triệu đồng/lượng. Giá này giảm 80.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua vào nhưng lại tăng 70.000 đồng một lượng ở chiều bán ra.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 36,8 - 37,15 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Có thời điểm, DOJI niêm yết giá bán vàng miếng SJC cao hơn Công ty SJC tới 550.000 đồng/lượng.
Với lượng khách hàng ùn ùn kéo tới, chen chúc xếp hàng kín ngoài cửa hàng, tình trạng thiếu vàng cục bộ lại xảy ra khiến các cửa hàng phải ghi phiếu, hẹn khách hàng trả vàng sau.
Bất chất mưa rét người dân vẫn xếp hàng chờ mua vàng ngày Thần Tài
Không chỉ tăng giá bán cao, mà chênh lệch giá mua - bán vàng cũng được tăng lên đến 800.000 đồng tại Bảo Tín Minh Châu và DOJI. Trong khi SJC chỉ niêm yết chênh lệch giá ở mức 300.000 đồng mỗi lượng.
Còn Công ty PNJ chỉ để mức chênh lệch mua - bán thấp nhất 250.000 đồng, niêm yết ở mức 36,90 triệu đồng mua vào, giá bán ra 37,15 triệu đồng/lượng.
Ở một số điểm kinh doanh khác, chênh lệch giá mua bán có thời điểm được đẩy lên tới 1 triệu đồng mỗi lượng, tức người mua vàng xong muốn bán luôn sẽ bị lỗ giá cao.
Có thể thấy, Ngày Thần Tài năm nay tiếp tục là ngày bội thu doanh số cho các công ty kinh doanh vàng. Trong khi đó, người dân mua vàng hôm nay với ý nghĩa cầu may mắn, phát tài phát lộc thì phải chấp nhận mua giá cao hơn ngày thường và chịu rủi ro thua lỗ lớn khi giá vàng biến động giảm sâu.
Sáng nay 26/2, giá vàng miếng SJC trên thị trường đã được điều chỉnh giảm nhẹ về mức 36,78-36,93 triệu đồng/lượng, tức giảm 250.000 đồng mỗi lượng so với ngày Thần Tài.
Ngoài giao dịch vàng miếng SJC đắt hàng, các doanh nghiệp cũng tung ra thị trường các sản phẩm vàng khác như nhẫn trơn, miếng vàng linh vật Tuất… mang thương hiệu riêng. Theo một số người dân, họ mua các loại vàng khác này với mục đích cầu may, làm vật kỷ niệm và quà tặng… chứ ít khi đem ra bán. Bởi các sản phẩm này khi mang bán sẽ khó thanh khoản hơn và bị trừ chi phí chế tác gia công rất cao. Đơn cử, mức chế tác sản phẩm nhẫn trơn 1 chỉ lên tới 500.000 đồng/CP…
>> Mua vàng ngày Vía Thần Tài cùng Sebank