Các sếp ngân hàng mạnh tay gom cổ phiếu

Những ngày đầu tháng 3, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã quyết định xuống tiền không chỉ vài tỷ mà tới vài chục tỷ để mua vào cổ phiếu.
Các sếp ngân hàng mạnh tay gom cổ phiếu

Tại ngân hàng Sacombank, ông chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng vốn không nắm cổ phiếu STB nào kể từ khi nắm giữ chức vụ cao nhất của ngân hàng, nhưng nay cũng chi tới 3,27 tỷ đồng để sở hữu 300.000 cổ phiếu, giao dịch hoàn tất trong ngày 3/3 vừa qua. Trong ngày 3/3, lệnh mua của ông Dũng đã góp phần giúp cổ phiếu STB của Sacombank tăng trần lên 10.900 đồng/cổ phiếu.

Cũng ở cổ phiếu này, ông Nguyễn Văn Cựu là thành viên HĐQT của Sacombank cũng dự chi không dưới 5 tỷ để đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ ngày 3/3 đến 1/4. Trước kế hoạch mua này, ông Cựu không nắm giữ cổ phiếu ngân hàng nào.

Sacombank là ngân hàng sẽ được tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm nay với sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước. Kể từ khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam hồi cuối năm 2015 tới nay, ngân hàng hợp nhất kinh doanh đi xuống vì phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro để xử lý những tồn đọng cũ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này và đại diện NHNN thì riêng Sacombank vẫn kinh doanh rất tốt và tăng trưởng đều đặn.

Mới đây, ông Trầm Bê và con trai là Trầm Khải Hòa đã không còn tham gia quản trị, điều hành ở Sacombank nữa. Trước đó hồi năm 2015 ông Trầm Bê đã ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ quyền cổ đông của ông và người liên quan ở Sacombank, Phương Nam và ngân hàng hợp nhất cho NHNN.

Với tình hình Sacombank hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư đang muốn đầu tư vào ngân hàng này, bao gồm cả cổ đông trong và ngoài nước, mà theo lời ông Kiều Hữu Dũng thì họ trả giá cao hơn nhiều so với thị giá, trong đó tổ chức trong nước ngỏ ý với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu), cao gấp rưỡi thị giá hiện nay.

Tại ngân hàng VIB, đơn vị vừa lên sàn UPCoM hồi đầu năm nay, một sếp ngoại của nhà băng này là ông Loic Michel Marc Faussier, Phó Tổng Giám đốc cũng đã đăng ký mua thêm 1,1 triệu cổ phiếu VIB để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 2/3 đến 24/3/2017.

Tạm tính theo thị giá hiện nay của cổ phiếu VIB là quanh 17.000 đồng thì ông Loic Michel Marc Faussier sẽ bỏ ra xấp xỉ 19 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu mong muốn.

Trước khi thực hiện kế hoạch mua nói trên, ông Loic Michel Marc Faussier đang sở hữu 1.285.905 cổ phiếu VIB tương ứng 0,23% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của VIB.

Cũng ở VIB, vợ ông Hồ Vân Long - Phó Tổng giám đốc là bà Ngô Minh Hiền hồi cuối tháng 2 cũng thông báo sẽ mua thêm 400.000 cổ phiếu VIB trong thời gian từ 22/2 đến 21/3. Số tiền mà bà Minh Hiền dự định chi trả cũng lên tới gần 7 tỷ đồng. Hiện bà Hiền đang sở hữu gần 12.000 cổ phiếu VIB.

Ở ngân hàng SHB, mới đây công ty bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSHC) đăng ký mua vào 16 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 2/3 đến 31/3/2017 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Với giá cổ phiếu SHB đang giao dịch quanh mốc 5.000 đồng, Bảo Hiểm Sài Gòn Hà Nội dự chi khoảng 80 tỷ đồng để đầu tư vào cổ phiếu SHB. Đáng chú ý, chủ tịch ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển cũng chính là chủ tịch của Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội.

Trong các ngành thì cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm tới nay vẫn có sự biến chuyển hưng thịnh nhất với khá nhiều đợt sóng. Giới chuyên gia cho rằng không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu vua này lại được quan tâm đến vậy, mà đằng sau đó là cả một "kho" lý do.

Có thể kể đến như thông điệp sớm nới room cho nhà đầu tư ngoại của người đứng đầu Chính phủ hồi trung tuần tháng 1 hay việc áp dụng chuẩn Basel II với hệ số CAR ở mức 8% được lùi tới năm 2020. Việc các ngân hàng có một mùa kinh doanh 2016 rực rỡ và triển vọng lạc quan ở năm 2017 cùng kế hoạch tái cơ cấu quyết liệt hơn của NHNN để có được môi trường ngân hàng lành mạnh hơn, minh bạch hơn cũng là cơ sở vững chắc để nhà đầu tư yên tâm nắm giữ cổ phiếu. Ngoài ra, một lý do quan trọng nữa đó là cổ phiếu ngân hàng hiện ở mức khá hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Tùng Lâm/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...