Cần có quy định giới hạn trần lãi suất và các loại phí trong cho vay để xóa sổ tín dụng đen

Thời gian gần đây tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp. Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí…

Nhiều thông tin từ các website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.
Nhiều thông tin từ các website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.

Sáng ngày 30/11, tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo ‘‘Xóa sổ tín dụng đen - bằng cách nào?” nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc xóa sổ tín dụng đen, đồng thời giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận kênh tín dụng tiêu dùng chính thức.

Tại hội thảo, Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp. Trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án với 944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ với 396 đối tượng. Trong đó, khởi tố 485 vụ với 772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ với 35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ với 108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…

Qua đấu tranh tội phạm tín dụng đen, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.

Đặc biệt, gần đây cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

“Lợi dụng việc cơ quan Công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính chính thống… cố tình “chây ỳ” trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống”, Thượng tá Tùng thông tin.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.

Nguyên nhân, ngoài chịu ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập, một nguyên nhân chính khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo phản ánh của các tài chính tiêu dùng là do nạn bùng nợ.đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các công ty tài chính, chuyên gia… đều lo ngại tín dụng đen sẽ bùng phát trong thời gian tới.

Về giải pháp góp phần xóa sổ tín dụng đen, TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), tại thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

“Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ”, bà Thanh nhận định.

Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.

Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước như tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Còn ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12 - 48%/năm; tại Brazil là 30 - 70%; tại Mỹ chỉ khoảng 8 - 36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10 - 40%/năm.

"Vì vậy, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay", bà Thanh đề xuất.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...