Có nhiều lý do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra. Đó là do sức hấp dẫn của các dự án không lớn, nên ngay cả khi đã công khai danh mục dự án trên báo hay trang thông tin đấu thầu quốc gia, thì mỗi dự án cũng chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký. Đó là do tính cấp bách của một số dự án, nên cần thiết phải chỉ định nhà đầu tư để có thể rút ngắn thời gian thi công…
Nhưng ngay cả khi đã thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật, thì cũng không thể phủ nhận một thực tế là tại nhiều dự án BOT áp dụng chỉ định thầu, thông tin chưa đến được người dân và các tổ chức xã hội. Nguyên do là hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp; nội dung công bố còn sơ sài nên còn có những quan điểm khác nhau về tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, việc để lọt những nhà đầu tư yếu kém năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý tại một số dự án BOT càng làm dấy lên mối nghi ngờ về “sự công bằng, minh bạch” trong dư luận, khiến công tác lựa chọn nhà đầu tư BT, BOT trong thời gian qua rơi vào tình trạng “sửa dép ruộng dưa” (tình ngay, lý gian), “một mất, mười ngờ”. Bên cạnh đó, việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, khiến các cơ sở tính phí, nội dung hợp đồng BOT, nhất là kết quả thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán…dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, cho sự lạm dụng.
“Điều này còn làm nảy sinh những nghi ngờ về độ chính xác, hợp lý của mức phí, của thời gian thu phí, đối tượng thu phí… đồng thời dẫn đến nguy cơ gây bất ổn và thiệt hại cho xã hội.
Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục có giải pháp kéo giảm chi phí đầu tư, đã đến lúc cần coi việc công khai, minh bạch thông tin tại các dự án BOT, BT giao thông hay hạ tầng là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo công bằng trong đấu thầu, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tạo ra những bất ổn, nghi ngờ không cần thiết trong xã hội.
Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết. Phần lớn dự án BOT được đầu tư trong những năm qua đã, đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Tuy vậy, các dự án BOT giao thông chỉ có ý nghĩa thực sự và phát huy vai trò tối ưu khi hài hòa lợi ích của các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư, người tham gia giao thông và nhất là phải đảm bảo được sự cạnh tranh, minh bạch.
Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ chủ yếu của các cơ quan quản lý nhà nước để xã hội có được sự đồng thuận hơn nữa về một chủ trương lớn của Đảng, đồng thời là giải pháp tất yếu trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, do là mô hình mới, phức tạp hơn đầu tư truyền thống, nên trong đánh giá về PPP cần một cái nhìn công tâm, khách quan.
Điều này, tất yếu sẽ tránh được xu hướng bôi đen, sổ toẹt những điểm thành công hay tích cực, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng nhà đầu tư, gây biến dạng môi trường đầu tư… nhất là khi nhu cầu gọi vốn trong và người nước cho lĩnh vực hạ tầng là rất lớn.
>> Tạo thế “chân kiềng” cho các dự án BOT