Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hệ thống điện thời điểm hiện tại được đánh giá đang trong tình trạng "cực kỳ khẩn cấp".
Nguyên nhân là do nắng nóng bất thường, hệ thống điện quốc gia không đủ công suất cấp, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến.
Việc thiếu phụ tải, không đủ điện khiến nhiều địa phương bắt buộc phải "thắt lưng buộc bụng", cắt điện luôn phiên tại nhiều khu dân cư, thậm chí cả khu công nghiệp.
Điều này đang gây ảnh hưởng đến hoạt động của một loạt các doanh nghiệp. Tại Bắc Ninh, cơ quan điện lực tiến hành cắt điện luân phiên ở các khu công nghiệp Yên Phong, Đại Đồng Hoàn Sơn, Tân Hồng và một số phụ tải lớn khác. Điều này khiến tình hình hoạt động của 15 khu công nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc thiếu điện sản xuất khiến nhiều công ty không thể sản xuất kinh doanh, buộc phải cho công nhân nghỉ làm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có hàng lạnh cũng cần điện để duy trì kho, khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.,
Đáng nói, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại Bắc Ninh. Tại Bắc Giang, tuy được EVN ưu tiên phát điện, nhưng các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất được khuyến cáo tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên. Một phần hoạt động sản xuất được chuyển sau 22h. Đồng thời, tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực Bắc Giang.
Tại Thái Bình, khách hàng lớn nhất là Công ty Thép đặc biệt Shengli Việt Nam (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ), Điện lực Thái Bình đã đề nghị ngừng sản xuất trong các ngày nắng nóng.
Điện lực Thái Bình đã phải khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiết giảm tối đa công suất sử dụng điện trong khung giờ 12 giờ đến 15 giờ và 20 giờ đến 24 giờ các ngày nắng nóng.
Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng "kêu" vì bị cắt điện gấp dẫn đến sự cố, lò cao hư hỏng, có nguy cơ trở thành đống sắt phế, kéo theo toàn bộ các dây chuyền, nhà máy liên quan phải dừng sản xuất, nguyên liệu hư hỏng, thiệt hại rất lớn....
Báo cáo gần đây nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Chính phủ về tình hình cung ứng điện cho biết nguồn cung ứng điện ở miền Bắc có thể thiếu hụt 8.000MW.
Con số này là mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 5.000MW và cũng cao hơn cả báo cáo tháng 3/2022 khi công suất thiếu hụt chỉ là 1.300MW.