Chạy đua hút tiền gửi cuối năm

Khảo sát của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy giữa tháng 9-2017, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng, 6 tháng tăng nhẹ từ 4,5%/năm lên 4,7%/năm và từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.
Chạy đua hút tiền gửi cuối năm

Với nhu cầu vốn của nền kinh tế vào các tháng cuối năm khá cao, nhiều ngân hàng (NH) đã tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn, tung ra các chương trình huy động vốn có khuyến mãi nhằm thu hút thêm tiền gửi từ dân cư.

Tập trung huy động vốn dài hạn

NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tung ra thị trường chương trình "Gửi dài, tài lộc tăng" với lãi suất kỳ hạn 15 tháng 7,5%/năm, kỳ hạn 18 tháng 7,8%/năm, kỳ hạn 24 tháng 8%/năm và cứ 200 triệu đồng tiền gửi được Eximbank tặng quà bằng hiện vật hoặc tiền mặt 300.000 đồng. Riêng khách hàng gửi tiền đến hạn 15 tháng tiếp tục gửi kỳ hạn 18, 24, 36 tháng sẽ được cộng thêm 0,1% lãi suất.

Như vậy, lãi suất của các kỳ hạn 15 và 18 tháng của chương trình "Gửi dài, tài lộc tăng" cao hơn 0,4% -0,5% so với kỳ hạn 15 và 18 tháng của biểu lãi suất tiết kiệm thông thường là 7%/năm và 7,3%/năm.

Tại NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có chương trình "Gửi tiền - tặng tiền, tặng lãi suất" từ nay đến hết năm 2017. Theo đó, người gửi ít nhất 10 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 7,4%/năm được Sacombank tặng 0,2% lãi suất, đồng thời tặng thêm 0,2%/số tiền gửi.

Tương tự, người gửi tiền tiết kiệm tối thiểu 30 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được NH Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) cộng thêm tới 0,4% lãi suất. NH Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng triển khai chương trình "Gửi 1 - nhân 3" với tổng giá trị bốc thăm trúng thưởng lên đến 2 tỉ đồng, lãi suất 8,2%/năm kỳ hạn 18 tháng.

Còn NH Kiên Long thu hút vốn bằng chương trình "Gửi tiền Kiên Long - Nhận quà thả ga - Trúng 3 xế hộp" dành cho khách hàng gửi tiết kiệm với hàng chục ngàn giải thưởng có tổng giá trị 6,8 tỉ đồng…

Trong khi đó, khảo sát của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy giữa tháng 9-2017, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng, 6 tháng tăng nhẹ từ 4,5%/năm lên 4,7%/năm và từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.

Thị trường cần liên thông

Theo số liệu của NH Nhà nước, đến cuối tháng 8-2017, tín dụng tăng trưởng 11,5% nhưng huy động vốn chỉ tăng 9,1%. Nhiều NH cho biết thanh khoản vẫn dồi dào, thậm chí dư thừa để hỗ trợ vốn cho các NH khác giữ ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới phân tích băn khoăn vì sao nhiều NH thừa vốn nhưng lãi suất vẫn không giảm? Lý giải vấn đề này, lãnh đạo của một NH thương mại ở TP HCM cho biết không ít NH nhỏ phải tăng cường huy động vốn nhằm tăng thêm dư nợ cho vay vào dịp cuối năm. Nhưng do mạng lưới hoạt động của các NH này còn hạn chế nên số lượng tiền gửi từ dân cư không nhiều buộc phải vay vốn NH bạn (thị trường liên NH). Thế nhưng, thời gian gần đây, một số NH nhỏ đối mặt các sự cố cho vay không đúng quy định nên các NH lớn (thừa vốn) không muốn cho NH khác vay tiền hoặc chỉ cho vay với điều kiện phải có tài sản thế chấp. Từ đó, thị trường liên NH thiếu liên thông khiến nhiều NH cần vốn phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi gửi tiền kèm theo quà tặng để thu hút người gửi.

Phó tổng giám đốc của một NH nhỏ có hội sở tại Hà Nội thừa nhận mỗi khi gặp trục trặc thanh khoản thì không vay được vốn từ các NH khác vì không có tài sản thế chấp là các loại giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tín dụng…

"Để tín dụng tăng trưởng mạnh vào các tháng cuối năm 2017, NH Nhà nước cần mạnh tay bơm tiền ra thị trường với lãi suất thấp. Các NH có nhiều trái phiếu Chính phủ sẽ thế chấp loại giấy tờ có giá này để vay tiền từ NH Nhà nước. Như thế, các NH lớn ngày càng dư thừa vốn buộc phải nới lỏng điều kiện cho vay trên thị trường liên NH, nút thắt vay vốn NH bạn sẽ được tháo gỡ" - vị lãnh đạo NH có hội sở ở Hà Nội đề xuất

Trong khi đó, các NH thừa vốn cũng không muốn giảm lãi suất đầu vào vì e ngại người gửi tiền ra đi, làm cho tổng nguồn vốn sụt giảm. Khi đó, giá trị tài sản của NH sẽ giảm theo bởi nguồn vốn huy động chiếm một tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu tổng tài sản NH, ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu, giá trị cổ phiếu…, đặc biệt là uy tín trên thị trường quốc tế. Bởi nếu mức độ tín nhiệm của một NH Việt Nam bị tụt hạng thì các NH ở nước ngoài có thể cắt hoặc hạn chế hạn mức thanh toán quốc tế. Lúc đó, NH của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền mua hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, buộc phải bổ sung thêm ngoại tệ vào tài khoản ở nước ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí kinh doanh.

Theo Thy Thơ/ Người lao động

>> Phát hành tăng vốn nghìn tỷ, VPBank sẽ “bội thu” khi nới tăng tín dụng lên 20%

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...