Cụ thể, 41 công trình này có tổng diện tích khoảng 414 ha với khoảng 36.000 hộ dân thuộc các khu vực trên địa bàn quận Thủ Đức.
Trong đó, đầu tư nâng cấp 16 công trình xung yếu với tổng kinh phí khoảng 86 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố phân cấp có mục tiêu năm 2019. Các công trình sau khi được đầu tư sẽ giúp ngăn triều cường, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng, bảo vệ cho các khu vực có tổng diện tích khoảng 223 ha với khoảng 20.000 hộ dân trên địa bàn.
Đồng thời, 25 công trình xung yếu còn lại sẽ được tu sửa với tổng diện tích khoảng 191 ha, hơn 16.000 hộ dân nằm trong khu vực và tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng, lấy từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố năm 2019.
UBND TP. HCM yêu cầu UBND quận Thủ Đức chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả công trình nhằm bảo vệ an toàn sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn trong mùa mưa lũ triều cường 2019.
Trước đó, UBND TP. HCM vừa chấp thuận tạm ứng từ ngân sách TP 9,3 tỷ đồng để Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM triển khai thực hiện 3 dự án giảm ngập nước trên tuyến Quốc lộ 22, huyện Củ Chi.
Liên quan đến công tác chống ngập của TP, mới đây tại hội nghị kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các công trình chống ngập do UBND TP. HCM tổ chức, TP kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Cụ thể, TP. HCM mời gọi nhà đầu tư, đầu tư vào 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: Lưu vực Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng; lưu vực Bình Tân: 9.804 tỷ đồng; lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm: 6.395 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1: 5.544 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2: 5.100 tỷ đồng; lưu vực rạch Cầu Dừa: 5.000 tỷ đồng; lưu vực Tây Bắc: 6.000 tỷ đồng.
>>TP HCM: Cần làm việc ngay với đơn vị tư vấn giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ