“Chiếc bánh chứng khoán” đang to ra

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) vừa qua đã giúp Nhà nước thu được số tiền cao hơn mong đợi khi giá IPO thành công cao
“Chiếc bánh chứng khoán” đang to ra

Chính phủ đã nhìn ra ảnh hưởng tích cực của thị trường chứng khoán lên công cuộc cải cách khối quốc doanh, cải cách hệ thống ngân hàng cũng như thoái vốn nhà nước để tăng thu ngân sách

Sự thành công ấy có lẽ được lý giải bằng kỳ vọng của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp dầu khí khi giá dầu thô quốc tế đã phục hồi tương đối và đang đứng ở mức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

Từ nay đến Tết Âm lịch, còn hai đợt IPO của Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) và Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3). Giá IPO thành công của PVPower có thể sẽ quanh giá khởi điểm khi lượng đăng ký mua chỉ nhỉnh hơn 5% so với khối lượng cổ phần chào bán. Trước đó lượng đăng ký mua cổ phần Bình Sơn và PVOil gấp 2,3-2,7 lần lượng chào bán, nên có sự cạnh tranh trong bỏ giá để mua bằng được. Lượng đặt mua cổ phần Genco 3 sẽ là ẩn số khó dự báo khi giá khởi điểm cao hơn hẳn ba doanh nghiệp nêu trên, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 của đơn vị này chỉ đạt 1.336 tỉ đồng (trên vốn điều lệ 20.809 tỉ đồng), tương đương ESP 642 đồng/cổ phiếu và P/E lên tới 38,3 lần. Đấy là chưa kể Nhà nước vẫn nắm giữ quyền của cổ đông chi phối với 51% cổ phần sau cổ phần hóa.

Tuy nhiên lợi thế của Genco 3 là Chính phủ chấp thuận để lại một phần tiền thu được từ IPO cho doanh nghiệp theo tỷ lệ phân chia Nhà nước thu 51%, doanh nghiệp được giữ lại 49% trong trường hợp giá IPO thành công cao hơn giá khởi điểm. Điều này có ý nghĩa lớn với Genco 3 vì nợ vay của doanh nghiệp không hề nhỏ, trong đó có nợ vay bằng đồng yen Nhật, mà đồng tiền này vốn dĩ biến động khó lường.

Kết quả IPO của PVOil, Genco 3 và sau Tết là tập đoàn Công nghiệp Cao su sẽ chứng minh liệu nguồn vốn nội lực và ngoại lực đổ vào chứng khoán đã cạn hay vẫn còn dồi dào. Nhìn vào giao dịch của khối ngoại trên Hose trong sáu tuần qua, mới thấy vốn nước ngoài vẫn đang rất mạnh khi họ mua ròng hơn 500 triệu đô la Mỹ, tức xấp xỉ 80 triệu đô la Mỹ/tuần. Nước ngoài có thể “bơm” 3-4 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán Việt trong năm nay nếu tốc độ mua ròng như thế này được duy trì.

"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng “bật mí” với người viết bài này rằng Ngân hàng TNHH một thành viên OceanBank đã có đối tác nước ngoài thuộc nhóm G7 “dạm ngõ” với giá chào mua “rất khả thi”.

Tiềm lực vốn của nhà đầu tư trong nước cũng không kém. Theo một số doanh nghiệp bất động sản, không giống như những năm 2006-2007, nhà đầu tư chốt lời chứng khoán và đổ tiền sang mua nhà đất, hiện nay vốn từ bất động sản đang chảy ngược vào cổ phiếu. Tại một số dự án tầm cỡ ở TPHCM, có hiện tượng nhà đầu tư sẵn sàng bán lỗ căn hộ 100-200 triệu đồng để lấy tiền đầu tư chứng khoán. Sự dịch chuyển từ ngoại tệ, vàng vào chứng khoán thì đã diễn ra từ mấy tháng nay. Thậm chí tiết kiệm tiền đồng cũng đã ít nhiều “lung lay” trước sự tăng trưởng của VN-Index. Năm 2017 chỉ số chứng khoán của Hose tăng 48%, còn từ đầu năm 2018 đến hết ngày 26-1-2018 nó đã bứt phá 13,3%, gấp đôi lãi suất tiết kiệm 12 tháng của bốn ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank.

Điều đáng ghi nhận là Chính phủ đã nhìn ra ảnh hưởng tích cực của thị trường chứng khoán lên công cuộc cải cách khối quốc doanh, cải cách hệ thống ngân hàng cũng như thoái vốn nhà nước để tăng thu ngân sách. Một trong những trọng tâm của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là sẽ đẩy nhanh hết tốc lực việc gia tăng hàng hóa chất lượng cao cho Hose. Nhà nước đã công bố giảm tỷ lệ sở hữu tại những ông lớn như Petrolimex (PLX-Hose) từ 84,7% hiện tại về 51% ngay trong năm nay.

Tương tự là GAS. Đạm Phú Mỹ vốn là một doanh nghiệp được Nhà nước nắm giữ quyền chi phối suốt cả thập kỷ qua, cũng sẽ giảm tỷ lệ Nhà nước xuống 51% ngay trong năm 2018. Habeco dự kiến thoái vốn nhà nước cuối quí 1 đầu quí 2. Chính phủ cũng đang tính toán liệu cho phép Vietcombank phát hành thêm cổ phiếu để bán đấu giá công khai qua thị trường hay bán vốn Nhà nước để giảm tỷ lệ sỡ hữu về 65% từ mức 77,11% hiện nay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng “bật mí” với người viết bài này rằng Ngân hàng TNHH một thành viên OceanBank đã có đối tác nước ngoài thuộc nhóm G7 “dạm ngõ” với giá chào mua “rất khả thi”.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết một trong những nhiệm vụ của ủy ban ngay bây giờ và tương lai gần là “làm cho chiếc bánh chứng khoán to lên bằng cách đưa các doanh nghiệp lên Hose niêm yết”. Một số “ông lớn” đang đăng ký giao dịch tại UpCom đã có kế hoạch chuyển sàn sang Hose như Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vinatex, Tổng công ty Thép... chưa kể một số ngân hàng sẽ niêm yết thẳng lên sàn TPHCM như Techcombank, TPBank. ACV hiện đang là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ hai toàn thị trường, chỉ sau Vinamilk, cao hơn nhiều VCB, VIC và GAS. Xa hơn, tập đoàn Viễn thông VNPT sẽ IPO trong năm 2019. Cổ phần hóa VNPT sẽ là “bom tấn” để thúc đẩy việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Để kết thúc bài viết này, xin kể chi tiết có thật. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết vào ngày xảy ra Brexit, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có biện pháp giữ ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt tỷ giá hối đoái. “NHNN đã dự trù các kịch bản và trước ngày người dân Anh đi bầu cử, chúng tôi đã hút một lượng lớn tiền đồng về. Khi kết quả Brexit được công bố, NHNN ngay lập tức hút thêm một lượng đáng kể tiền đồng nữa về kho. Tiền đồng trên thị trường giảm xuống, giá vốn tiền đồng tăng, không ngân hàng nào dại dột đầu cơ ngoại tệ và tỷ giá vẫn ổn”, Thống đốc nhớ lại.

Còn hiện nay? “Chúng tôi phối hợp với Ủy ban Chứng khoán và đề nghị ủy ban theo dõi chặt chẽ dòng vốn ngoại”, Thống đốc nói. Việc theo dõi và cập nhật lượng vốn đổ vào ở đây là rất cần thiết vì từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục phải mua ròng ngoại tệ. Dẫu vậy, NHNN đã chuẩn bị kỹ cho sự gia tăng của quỹ dự trữ ngoại hối. Thống đốc dự báo chỉ tiêu đặt ra cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia vào năm 2020 có thể đạt được ngay trong năm nay.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

thesaigontimes.vn/268596/chiec-banh-chung-khoan-dahttp://www.thesaigontimes.vn/268596/chiec-banh-chung-khoan-dang-to-ra.html

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...