Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ hướng đến 3 mục tiêu. Một là, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Hai là, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng.
Ba là, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Quan điểm của Đề án là ủng hộ, thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ; đồng thời không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ bởi đây không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước cần bảo đảm cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy, cách thức quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Điểm nhấn của Đề án là việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai, ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ, hay còn gọi là sandbox - một cơ chế pháp lý cho phép các doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ trong điều kiện quy định pháp lý hiện tại chưa kịp điều chỉnh các loại hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ.
Đây không phải lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách ở nước ta. Đầu năm ngoái, sandbox đã được đề cập như một lựa chọn hữu ích để Ngân hàng Nhà nước ứng xử với các biến chuyển trên thị trường tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên cơ chế thử nghiệm pháp lýnày vẫn chỉ dừng ở “lời nói”, trong khi với thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lân cận, sandbox đã không còn xa lạ. Vì thế, giới công nghệ kỳ vọng sau khi Đề án được triển khai thì sẽ sớm có những sandbox trong thực tế.
Trong kỷ nguyên kinh tế số, tốc độ triển khai và thực hiện ý tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu với thành bại của doanh nghiệp.
Nếu vấn đề thực tiễn như pháp lý cho taxi công nghệ, cho dịch vụ chia sẻ điểm lưu trú, dịch vụ video trên internet… cứ mãi ở dạng “chờ”, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh trong “vùng xám” với những rủi ro treo lơ lửng trên đầu và không thể kinh doanh với hết tiềm năng, thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm: giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, của người sử dụng dịch vụ, của doanh nghiệp công nghệ/cung cấp nền tảng và các giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Trong đó, nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ nhằm hiểu rõ trách nhiệm khai báo thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành cho các cơ quan quản lý Nhà nước..
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ để nâng cao năng lực hiểu biết, pháp luật về hợp đồng số; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.