Nhiều chính sách mới liên quan đến đăng kiểm viên đường sắt, xác định giá phát điện, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa... sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2024.
QUY ĐỊNH VỀ NGHIÊN CỨU DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Nội dung đề cập tại Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó quy định về nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể như sau:
- Nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể gồm: nghiên cứu, nhận diện về các biểu đạt, giá trị, chủ thể, hiện trạng, quá trình trao truyền, thực hành, sáng tạo, tái sáng tạo, chức năng xã hội, yếu tố tác động, biện pháp bảo vệ và các nội dung khác nhằm làm sâu sắc hơn về di sản và về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống.
- Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý di sản trên địa bàn. Các cá nhân thực hiện việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiên cứu của mình.
- Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, thông báo rộng rãi cho chủ thể di sản và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
- Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH GIÁ PHÁT ĐIỆN CHO NHÀ MÁY ĐIỆN MỚI
Thông tư 07/2024/TT-BCT quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở:
+ Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án;
+ Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
- Giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm các thành phần sau:
+ Giá hợp đồng mua bán điện: Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2024/TT-BCT;
+ Giá đấu nối đặc thù (nếu có): Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2024/TT-BCT.
- Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).
- Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở:
+ Giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở không vượt quá khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện;
+ Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
NHIỆM VỤ CỦA ĐĂNG KIỂM VIÊN ĐƯỜNG SẮT
Thông tư 08/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 19/2018/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Theo đó, nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt được quy định như sau:
(1) Đối với đăng kiểm viên đường sắt
- Tham gia thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận đối với các nội dung liên quan đến phương tiện, không bao gồm hệ thống tín hiệu lắp đặt trên phương tiện;
- Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt;
- Lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT;
- Tính các loại giá và lệ phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn thực tập cho học viên đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt;
- Tham gia tập huấn, đánh giá năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho học viên, đăng kiểm viên;
- Thực hiện những nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.
(2) Đối với đăng kiểm viên đường sắt bậc cao
- Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao thực hiện các nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt theo quy định tại khoản (1);
- Tham gia hỗ trợ phân tích, xác định nguyên nhân sự cố tai nạn giao thông đường sắt liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt khi có yêu cầu.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
GIẤY PHÉP XE TẬP LÁI VÀ THẨM QUYỀN CẤP
Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, trong đó có sửa đổi quy định liên quan đến Giấy phép xe tập lái và thẩm quyền cấp Giấy phép xe tập lái.
- Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép xe tập lái cho xe tập lái của cơ sở đào tạo do địa phương quản lý theo mẫu quy định tại Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục VII kèm theo Nghị định 41/2024/NĐ-CP; có hiệu lực tương ứng với thời gian được phép lưu hành ghi trên Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhưng không vượt quá thời hạn sử dụng hợp pháp đối với xe tập lái.
- Giấy phép xe tập lái bị thu hồi trong các trường hợp sau:
+ Cấp cho xe tập lái không đáp ứng một trong điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP;
+ Bị tẩy xóa, sửa chữa;
+ Để cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vào mục đích đào tạo lái xe;
+ Cơ sở đào tạo lái xe giải thể hoặc bị thu hồi Giấy phép đào tạo;
+ Theo đề nghị của cơ sở đào tạo;
+ Xe tập lái có lắp đặt và sử dụng từ 2 thiết bị DAT (Distance and Time) trở lên để gian lận trong quá trình đào tạo thực hành lái xe.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xe tập lái, thực hiện thu hồi theo trình tự sau:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi, thông báo đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền;
+ Cơ sở đào tạo lái xe được cấp Giấy phép xe tập lái phải dừng sử dụng xe ô tô đã bị thu hồi Giấy phép xe tập lái trong hoạt động giảng dạy ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời nộp lại giấy phép cho cơ quan cấp ngay sau khi quyết định thu hồi Giấy phép xe tập lái có hiệu lực.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
CẤU TRÚC ĐỀ THI SÁT HẠCH GIẤY PHÉP LÁI XE HẠNG A1, A2
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Trong đó quy định cấu trúc đề thi sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, A2 được quy định như sau:
Phần thi lý thuyết:
- Thời gian làm bài: 19 phút;
- Đề thi giấy phép lái xe hạng A1, A2 được thiết kế gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó: có 24 câu hỏi được tính 01 điểm mỗi câu và có 01 câu nếu lựa chọn đáp án sai được tính là điểm liệt; mỗi câu có từ 02 đến 04 ý trả lời, thí sinh đọc đề bài và lựa chọn ra đáp án đúng nhất. Trường hợp bị điểm liệt trong bài thi thì không đạt nội dung sát hạch Lý thuyết.
- Điểm đạt yêu cầu đối với hạng A1: từ 21/25 điểm trở lên.
- Điểm đạt yêu cầu đối với hạng A2: từ 23/25 điểm trở lên.
Phần thi thực hành, bao gồm 4 bài sát hạch:
- Bài sát hạch số 1: Đi qua hình số 8.
- Bài sát hạch số 2: Đi qua vạch đường thẳng.
- Bài sát hạch số 3: Đi qua đường có vạch cản.
- Bài sát hạch số 4: Đi qua đường gồ ghề.
Thời gian thực hiện các bài sát hạch nêu trên là: 10 phút.
Thang điểm: 100 điểm.
Điểm đạt: Từ 80 điểm trở lên.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIẢNG VIÊN CAO ĐẲNG SƯ PHẠM CAO CẤP
Nội dung đề cập tại Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cụ thể, viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Trường cao đẳng sư phạm có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21.
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, quy định quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu như sau:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc - Hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trước khi đưa vào sử dụng.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13275:2020 Truy xuất nguồn gốc - Định dạng vật mang dữ liệu do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Vật mang dữ liệu được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, bảo đảm thiết bị có thể đọc được.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024.