Chính thức ban hành điều kiện kinh doanh mua bán nợ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Chính thức ban hành điều kiện kinh doanh mua bán nợ

Thông tư áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, khi bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải thực hiện công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về vốn, quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải lưu trữ tài liệu đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về tài liệu doanh nghiệp phải lưu trữ để chứng minh đáp ứng các điều kiện về vốn, về quy chế quản lý nội bộ, về người quản lý doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ trước thời điểm kinh doanh phải có thêm các tài liệu sau: Báo cáo tài chính được kiểm toán chứng minh đã kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch đạt ít nhất 500 tỷ đồng; bản chính thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có: Hệ thống phần mềm quản lý, giám sát các giao dịch, trong đó bao gồm cả việc cung cấp, lưu trữ thông tin về các khoản nợ dự kiến được niêm yết trên sàn giao dịch; các hợp đồng lao động ký với ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 2 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/7/2017. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt động kinh doanh trước ngày Nghị định số 69/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chậm nhất vào ngày 1/7/2017, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoàn thiện các tài liệu chứng minh và công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Trước ngày 1/7/2017, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...