Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) đã đề cập đến việc triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thời gian qua.
Nợ xấu gia tăng
Cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng chậm trả nợ ngân hàng do chi phí nhân công nhiều, chi phí đánh bắt lớn nhưng nguồn lợi thủy sản có hạn. Tình trạng ngư dân chậm trả nợ đã tác động lớn tới các ngân hàng tham gia cho vay đóng tàu theo Nghị định 67.
Dẫn số liệu thực tế, đại biểu Lê Công Nhường cho biết, riêng tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 104 tỷ đồng, lãi 107 tỷ đồng.
“Đến nay dù ngân hàng đã khởi kiện ngư dân vay đóng tàu và số lượng khởi kiện ngày càng tăng và nhiều ngư dân nợ nần vì tham gia vay đóng tàu”, ông Nhường cho biết.
Theo báo cáo của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa, báo cáo nêu rõ.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực tế, vấn đề này NHNN đã phát hiện và báo cáo liên tục mấy năm nay, từ lúc nợ xấu hơn 10%; đến nay đã lên tới 10.500 tỷ trong đó nợ quá hạn ( tức nợ xấu từ nhóm 3-5) đã lên tới 33%.
Theo đại biểu Lê Công Nhường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi triển khai Nghị định 67 chúng ta chưa cảnh báo khả năng trữ lượng nguồn thủy sản có khác biệt với tổng công suất tàu cá. Nhất là khi đóng những tàu công suất lớn. Công suất tàu đóng theo Nghị định 67 đã vượt trữ lượng cá ở vùng biển.
Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục 21 tàu vỏ thép, áp dụng cho toàn quốc nhưng khi áp dụng cho từng địa phương vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Để phát triển nghề cá bền vững cần phát triển khai đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật, ý thức; Phải đào tạo ngư dân làm chủ được tàu vỏ thép chứ không chỉ nâng cấp về phương tiện.
Nhiều giải pháp nhưng chưa có kết quả
Đến nay NHNN cũng như cả Chính phủ và các bộ ngành đều đang “xoay” hết cách gỡ có thể kể đến như, NHNN đã kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, NHNN chủ động triển khai các giải pháp như đối với các ngư dân không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; ngư dân được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ ngân hàng.
Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ỳ, không trả nợ, NHNN tiếp tục chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp (như khởi kiện theo quy định).
Tuy nhiên, dường như tình hình không tiến triển được bước nào. Cụ thể, đến thời điểm này có những tỉnh thành tỉ lệ nợ xấu thậm chí lên tới 100%. Nặng nhất là Trà Vinh, Phú Yên, Bình Định hay như Nam Định nợ xấu trên 86%, Thái Bình 84% trên tổng dư nợ 1.000 tỷ.