Chủ tịch VietinBank: Phải xác định 90% nợ xấu là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD.
Chủ tịch VietinBank: Phải xác định 90% nợ xấu là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng ngày 7/6 về vấn đề xử lý nợ xấu, Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Tp. Hà Nội, chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng việc có nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cấp bách cần thiết.

Theo đại biểu, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, chủ quan có, khách quan cũng có, tuy nhiên theo thống kê cho thấy nợ xấu cao, đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước thì đều có nguyên do xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên tới 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân của tình trạng này là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có nợ xấu hơn 10% mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Và theo ông Thắng, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế. Chủ tịch VietinBank ví von rằng số tiền này có thể làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đang bàn.

Về mục tiêu của nghị quyết, cốt lõi là ban hành các cơ chế thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ. Hiện nay đã có cơ chế, thị trường mua bán nợ nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt là những hàng hóa có giá trị là các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế do quy định về điều kiện để tham gia.

Còn VAMC ra đời, theo đại biểu, là để làm chủ lực xử lý nợ xấu nhưng lại chưa đủ cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Vì thế đại biểu cho rằng, nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo ra thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.

Đại biểu đồng thời đề xuất cần xử lý cả các khoản nợ phát sinh chứ không chỉ khoản nợ cũ. Quan điểm cá nhân của đại biểu là thu hồi càng nhiều càng tốt nợ xấu.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...