Chứng khoán Mỹ biến động trước những lo ngại mới về Credit Suisse

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào 15/3 khi tình trạng hỗn loạn mới tại Credit Suisse làm gia tăng mối lo ngại của nhà đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 280,83 điểm, tương đương 0,87%, còn 31.874,57 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 27,36 điểm, tương đương 0,70%, còn 3.891,93 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,90 điểm, hoặc 0,05%, lên 11.434,05 điểm. 

Hầu hết trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, trong đó mảng năng lượng có hoạt động kém nhất với mức giảm 5,42%.

Những rắc rối mới tại ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse đã gây ra nhiều lo lắng cho thị trường vào sáng thứ Tư. Tuy nhiên, các chỉ số điểm chuẩn đã phục hồi phần nào vào cuối phiên giao dịch sau khi Bloomberg báo cáo rằng chính phủ Thụy Sĩ đang tổ chức các cuộc đàm phán để ổn định tình hình. 

Cổ phiếu của Credit Suisse có thời điểm giảm hơn 25%, xuống mức thấp kỷ lục sau khi doanh nghiệp hậu thuẫn lớn nhất của ngân hàng cho biết họ không thể hỗ trợ thêm nữa. Điều này bắt đầu khiến các nhà cho vay ở châu Âu mất kiểm soát và gây áp lực lên cả các ngân hàng Mỹ.

Các ngân hàng lớn của Mỹ bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Bank of America đều mất điểm, đẩy chỉ số ngân hàng của S&P 500 giảm 3,62%. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW giảm 1,57%.

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ khác, Ngân hàng First Republic Bank giảm 21,37% trong khi PacWest Bancorp giảm 12,87% và giao dịch bị tạm dừng nhiều lần do biến động.

Giám đốc điều hành và nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Mark Stoeckle của Adams Funds nhận định: “Mặc dù lĩnh vực ngân hàng, tài chính đã thấy được mức phục hồi trong ngày hôm qua (14/3) nhưng sự mất niềm tin và nỗi sợ hãi về những điều không chắc chắn đã một lần nữa đè nặng lên tâm lý các nhà giao dịch”. 

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã giảm 0,4% so với tháng trước, phù hợp với sự đồng thuận của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất của tháng 2 đã bất ngờ giảm 0,1%. 

Dữ liệu của ngày 15/3 được đưa ra sau khi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được theo dõi chặt chẽ ghi nhân mức tăng 6% trong tháng 2 so với năm ngoái, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021. Trong cùng một cuộc khảo sát, CPI cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 5,5%, cũng phù hợp với kỳ vọng.

Những dữ liệu khả quan này đã thúc đẩy giới đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.

Jack Ablin, CIO của Cresset Capital cho biết: “Fed đã thắt chặt chính sách với tốc độ cao nhất, kịch tính nhất mà chúng ta từng thấy kể từ năm 1980 và vì vậy tôi nghĩ rằng đây có thể là lúc để họ tạm dừng lại”. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khác lại đưa ra nhận định trái ngược. Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết vì căng thẳng chủ yếu tập trung ở các ngân hàng khu vực, do vậy ông kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp tháng 3 sắp tới. Ông Ryan Sweet cũng nhắc tới sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature, cũng như tình trạng hỗn loạn đang nổi lên tại Credit Suisse, xảy ra vào thời điểm nền kinh tế phải vật lộn với lạm phát.

“Với việc lạm phát tiếp tục vượt xa mục tiêu 2%, việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt hoặc cắt giảm lãi suất vẫn là quá sớm. Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng các công cụ khác ngoài lãi suất để giảm bớt áp lực trong hệ thống ngân hàng”, ông Sweet nhấn mạnh. 

Một quan điểm tương tự đến từ nhà phân tích vĩ mô Richard de Chazal của William Blair, người đã nói rằng trong bối cảnh các sự kiện hiện tại, việc tăng một phần tư điểm có thể sẽ được coi là thận trọng hơn. 

Có thể bạn quan tâm