Như một đòn giáng mạnh vào một lĩnh vực vốn đã quay cuồng, dịch vụ nhà đầu tư của Moody’s đã hạ triển vọng đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ từ mức ổn định xuống tiêu cực.
Cụ thể, Moody’s, một trong những công ty xếp hạng tín dụng hàng đầu của Mỹ cho biết, họ đang thực hiện động thái này khi xem xét những thất bại của ngân hàng gần đây. Sự kiện đã khiến các nhà quản lý phải bước vào với một kế hoạch giải cứu người gửi tiền và các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng.
Moody’s nhấn mạnh trong báo cáo: “Chúng tôi đã thay đổi từ triển vọng ổn định sang tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Mỹ để phản ánh sự xuống cấp nhanh chóng trong môi trường hoạt động sau làn sóng rút tiền gửi tại Ngân hàng Silicon Valley (SVB), Ngân hàng Silvergate và Ngân hàng Signature (SNY), cũng như sự sụp đổ của SVB và SNY”.
Động thái này diễn ra sau khi Moody's cảnh báo rằng đơn vị này đang xem xét việc hạ cấp 7 tổ chức tín dụng riêng lẻ vào đầu tuần này. Liên tiếp các động thái của Moody's có thể tác động đến xếp hạng tín dụng và do đó ảnh hưởng đến chi phí đi vay của ngành.
Khi đưa ra quyết định hạ cấp toàn bộ hệ thống ngân hàng, cơ quan xếp hạng tín dụng đã ghi nhận các hành động phi thường đang được thực hiện để hỗ trợ các ngân hàng bị ảnh hưởng. Nhưng Moody’s cho biết các tổ chức có khoản lỗ chưa thực hiện hay người gửi tiền không được bảo hiểm vẫn có thể gặp rủi ro.
Cục Dự trữ Liên bang đã thành lập một cơ sở để đảm bảo rằng các tổ chức gặp vấn đề về thanh khoản sẽ có quyền tiếp cận tiền mặt. Bộ Tài chính đã hỗ trợ chương trình này với số tiền 25 tỷ USD và cam kết rằng những người có lượng tiền gửi hơn 250.000 USD tại SVB và SNY sẽ có toàn quyền lấy lại số tiền của họ.
Nhưng Moody's nói rằng những lo ngại cho sự ổn định hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn tại. Báo cáo cho biết: “Các ngân hàng có lượng đáng kể khoản lỗ chứng khoán chưa thực hiện cùng với những cá nhân hay doanh nghiệp không được bảo hiểm tiền gửi vẫn có thể khó trụ vững hơn trước sự rút tiền ồ ạt, cùng với tác động bất lợi về nguồn vốn, thanh khoản, thu nhập và vốn.”
Trước đó, Moody's đã hạ cấp Signature Bank và cho biết họ sẽ xóa tất cả các xếp hạng. Moody’s một loạt các tổ chức tín dụng vào danh mục xem xét khả năng hạ cấp, bao gồm First Republic, Intrust Financial, UMB, Zions Bancorp, Western Alliance và Comerica.
Đồng thời, Moody's lưu ý thêm, thời gian kéo dài của lãi suất thấp kết hợp với các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động ngân hàng trở nên phức tạp.
Chẳng hạn, SVB nhận thấy khoản lỗ chưa thực hiện lên tới 16 tỷ USD từ trái phiếu Kho bạc dài hạn mà họ nắm giữ. Khi lợi tức tăng lên, nó làm xói mòn giá trị cơ bản của những trái phiếu đó và tạo ra các vấn đề về thanh khoản cho ngân hàng. SVB đã phải bán lỗ những trái phiếu đó để đáp ứng các nghĩa vụ với khách hàng.
“Chúng tôi cho rằng áp lực lên hệ thống ngân hàng sẽ vẫn tiếp diễn và trở nên trầm trọng hơn do việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại. Đồng thời, lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn cho đến khi lạm phát trở lại trong phạm vi mục tiêu của Fed", Moody's cho biết và kỳ vọng: “Các ngân hàng Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với chi phí tiền gửi tăng mạnh sau nhiều năm chi phí huy động vốn thấp, điều này sẽ làm giảm thu nhập tại các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng với tỷ lệ tài sản có lãi suất cố định cao hơn".
Cùng với đó Moody's cho biết họ dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, gia tăng áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh bất chấp điều chỉnh này từ tổ chức xếp hạng tín dụng. Quỹ hoán đổi danh mục Ngân hàng của SPDR đã tăng gần 6,5% trong phiên giao dịch hôm nay sau khi sụt gần 10% vào ngày 10/3. Các chỉ số chính khác của ngành cũng cao hơn, với Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 450 điểm, tương đương 1,4%.