Chuyển đổi số giúp lãnh đạo “xuyên” khủng hoảng

Đa số đại biểu có mặt tại hội thảo “Lãnh đạo xuyên khủng hoảng” đều nhận định, chuyển đổi số là vấn đề căn bản để doanh nghiệp Việt có thể vững vàng vượt qua mọi khủng hoảng, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo “Lãnh đạo xuyên khủng hoảng” do Alpha Books phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức mới đây tại TP. HCM.

Bà Bùi Kim Thùy – Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC) chia sẻ, không chỉ có Covid-19, doanh nghiệp Việt trong thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian tới còn phải đối mặt với nhiều biến động ảnh hưởng từ chiến lược vành đai xâm lược của Trung Quốc, cạnh tranh thương mại Mỹ- Trung, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi số. “Khi Covid-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới bị điêu đứng, đình trệ, thậm chí phá sản, chỉ có những công ty công nghệ vẫn phát triển tốt, cổ phiếu tăng đều… Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi số đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn vững vàng trước mọi khủng hoảng” – Bà Thuỳ nói.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, mặc dù nền kinh tế của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng được 2,2% trong bối cảnh nền kinh tế cả thế giới đang bị suy giảm vì dịch Covid-19. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam còn yếu cả về mảng công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực, cụ thể là thiếu nhân lực cho kĩ thuật, công nghệ mới, cho chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số là vấn đề căn bản để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Bà Kim Hạnh nhấn mạnh.

Ông Tô Chính Nghĩa – Nguyên Giám đốc Điều hành miền Bắc và miền Trung Samsung Việt Nam, giám đốc toàn quốc B2B và Project LG Electronics Việt Nam, Cố vấn quỹ Dragon Capital (Anh Quốc) cũng nhận định, trong cuộc khủng hoảng này nhiều doanh nghiệp số vẫn sống rất tốt. Ví dụ, trước khi Masan tiếp nhận, hệ thống Vinmart báo lỗ khủng khiếp. Tuy nhiên khi mua lại, Masan đã tiến hàng những giải pháp như cắt đi tất cả những cửa hàng kinh doanh lỗ, ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cung cấp sản phẩm…Và chỉ sau một năm thôi Masan đã báo lãi. “Trong khủng hoảng nếu tận dụng được cơ hội thì chúng ta vẫn thấy có các giải pháp” - ông Nghĩa khẳng định.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, doanh nghiệp muốn trụ vững trong mọi hoàn cảnh nên thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn vốn. Thứ hai, phải thay đổi tư duy. Bởi theo ông Nghĩa, ở Việt Nam, đợt Covid thứ hai đã đẩy tiến trình online lên một tốc độ đáng kinh ngạc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động làm cho hoạt động tiếp cận khách hàng hoàn toàn trở nên khác biệt và online là giải pháp rất rõ ràng. Do đó doanh nghiệp cần dứt khoát cắt bỏ cái cũ và phát triển theo xu hướng mới.

Vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực để đáp ứng quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc, sẵn sàng đối phó với mọi khủng hoảng là vấn đề được tất cả các diễn giả đồng tình. Ở khía cạnh này, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng việc đào tạo lực lượng nhân sự nên chia theo những giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội.

Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG cho biết, để góp phần nâng tầm tri thức cho lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng và người lao động nói chung, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển đổi số, hiện nay ông đang mang những tri thức có chiều sâu từ thế giới về thông qua con đường xuất bản với nhiều đầu sách phong phú trong nhiều lĩnh vực.

“Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ lứa tuổi 12-17 được tiếp cận dòng chảy này và sẽ sớm hình thành nên những ý tưởng, công nghệ, startup mới, hòa nhập vào dòng chảy thế giới” - ông Bình chia sẻ.

Với việc thành lập ra Viện lãnh đạo ABG, ông Bình cũng mong sẽ xây dựng được đội ngũ lãnh đạo có kiến thức về văn hóa chính trị lịch sử, ngoại giao và nhiều thứ khác; đồng thời có tinh thần kinh doanh có tri thức trẻ, có kiến thức về quản trị dự án hiện đại - với mong muốn đội ngũ nhân sự này sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội sau này.

Có thể bạn quan tâm