Chính thức ra mắt “Liên minh Chuyển đổi số” tại Việt Nam

Với sứ mệnh chung tay thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, một liên minh gồm các DN “rường cột” của nền CNTT - TT Việt Nam đã chính thức được thành lập và ra mắt tại Vietnam ICT Summit 2019
Chính thức ra mắt “Liên minh Chuyển đổi số” tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra mắt của Liên minh. Ảnh: ictvietnam.vn

Đến thời điểm này đã có các DN và tổ chức như Viettel, VNPT, Misa, FPT, CMC, VNG, Mobifone, BKAV, Hài Hoà xác nhận tham gia Liên minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra mắt của Liên minh

Liên minh Chuyển đổi số là sáng kiến do Hiệp hội Phần mềm và Công nghiệp nội dung số (VINASA) đề xuất, nhằm "hiệu triệu", kêu gọi các DN ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và DN tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ra mắt liên minh, ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Chủ tịch liên minh cho biết, việc thành lập liên minh là kết quả làm việc tích cực và sự ủng hộ của cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.

Việt Nam lần đầu tiên song hành cùng một cuộc cách mạng thế giới – cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, sáng tạo đổi mới, nâng cao năng lực quốc gia, thể hiện đưa Việt Nam trở thành 1 quốc gia số.

“Liên minh là nơi tập hợp DN viễn thông - CNTT để truyền cảm hứng trong toàn xã hội về chuyển đổi số”, ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Việt Nam), trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện… để hoàn thiện hơn.

Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.

Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025 Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN.

Trong Dự thảo này, cũng đặt ra chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới và đưa công nghệ 4.0 phổ cập ở Việt Nam. Cùng đó, chỉ tiêu đặt ra cho chuyển đổi số doanh nghiệp đến năm 2025 là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GDP; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số; phát triển 5 doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

Đồng thời, với chuyển đổi số Chính phủ, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; 30% thủ tục hành chính được cắt giảm nhờ dữ liệu; 20% dịch vụ mới được phát triển dựa trên dữ liệu (data driven).

Nhận định nhân lực, an ninh mạng, đổi mới sáng tạo và môi trường pháp lý cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia, tại Dự thảo, cơ quan xây dựng Đề án đã đề xuất nhiều mục tiêu tham vọng khác như: Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến về môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng 3 thung lũng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam; dẫn đầu khu vực ASEAN là nơi thử nghiệm công nghệ mới; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số, Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn, an ninh mạng trong khu vực ASEAN; 30% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số; đào tạo được 30.000 kỹ sư AI; đào tạo thêm 1 triệu nhân lực trình độ cử nhân, kỹ sư về ICT, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Big Data, Cloud, IoT, CyberSecurity….

Theo các nhà quản lý cũng như các chuyên gia trong ngành, để có được một Chiến lược số Quốc gia bài bản cũng như những mục tiêu đặt ra kể trên, rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung tay của tất cả Bộ, Ngành, các cấp chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và toàn xã hội. Mà trong đó, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, những người gánh sứ mệnh lớn lao để tiên phong chuyển đổi cũng như chia sẻ, nhân rộng những mô hình ưu việt đến các doanh nghiệp khác.

Trong bối cảnh đó, một "Liên minh Chuyển đổi số" ra đời được đánh giá là vô cùng cần thiết, để tập hợp những nguồn lực của ngành vì mục tiêu chung phát triển Việt Nam hùng cường, hiện đại.

Có thể bạn quan tâm

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…