Cựu Tổng Giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình: Đại gia kim tiền lừng lẫy, cuối đời vướng lao lý

Ông Trần Phương Bình đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của ngân hàng DongA Bank. Song do mắc nhiều sai phạm, đến trước khi qua đời ông Bình phải thi hành 5 bản án với tổng hình phạt chung là tù chung thân…

5137951-0-0-1200-675-1920x0-80-0-0-a2c4177f81a3a438be6d9fc46c8bcb55-9476.jpeg

Cuối ngày 18/6, một nguồn tin cho biết ông Trần Phương Bình (sinh năm 1959), Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á qua đời ở tuổi 65, khi đang thi hành bản án chung thân về loạt sai phạm trong thời gian điều hành ngân hàng này.

MỘT THỜI LÈO LÁI DONGA BANK ĐẾN NHỮNG ĐỈNH CAO

Ông Trần Phương Bình được biết đến là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế và ngân hàng. Trước khi dẫn dắt DongA Bank, ông đã có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế tại các trường đại học.

Cho đến năm 1990, ông đã chuyển hướng sự nghiệp sang lĩnh vực ngân hàng và trở thành một phần quan trọng trong hành trình phát triển của DongA Bank từ những ngày đầu sơ khai. Dưới sự lãnh đạo của ông, DongA Bank không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn trở thành một trong những ngân hàng có tiếng tăm về dịch vụ và công nghệ tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Từ một ngân hàng nhỏ chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, DongA Bank dần phát triển với quy mô vốn lên đến 5.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1999 đến 2002, DongA Bank đã mở rộng hoạt động nhận vốn ủy thác quốc tế và tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.

Trong những năm từ 2003 đến 2007, DongA Bank tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực thẻ và ATM tại Việt Nam, phục vụ gần 8,4 triệu khách hàng và đạt doanh số thanh toán quốc tế lên tới 2 tỷ USD.

Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, DongA Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại và tự chế tạo ra các thiết bị tiên tiến như máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp.

Giai đoạn 2006 - 2011, DongABank luôn đạt tăng trưởng cao và chi trả cổ tức cho cổ đông đều đặn với tỷ lệ thuộc top đầu thị trường.

Mặc dù không nắm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bình luôn được xem là người trực tiếp lèo lái và định hình chiến lược của ngân hàng này.

Hơn nữa, vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng là nhân vật có ảnh hưởng, đóng góp cho sự phát triển của DongA Bank.

Thời gian đầu năm 1992 – 1997, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này. Đồng thời, bà Dung cũng từng đảm nhận vai trò Chủ tịch của DongA Bank tại thời điểm này. Đến năm 1997, bà rút lui khỏi các chức vụ tại ngân hàng và tập trung phát triển công việc tại PNJ.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo, ông Trần Phương Bình còn là một cổ đông lớn và người có ảnh hưởng trong quyết định chiến lược của DongA Bank.

Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank, ông Bình là cổ đông lớn nhất trong ngân hàng này khi nắm giữ 15 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 3% vốn.

Cùng với đó đó, các cổ đông khác như bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,9% vốn, và các con gái của ông Bình nắm giữ tổng cộng 23,7 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 4,7%. Đồng thời, mẹ vợ và anh em vợ của ông Bình cũng sở hữu hàng triệu cổ phần tại DongA Bank.

NHẬN 2 ÁN TÙ CHUNG THÂN

Chiều 20/8/2015, ông Trần Phương Bình đã bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank sau khi có thông tin chính thức về kết luận thanh tra toàn diện quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.

Ngày 11/12/2016, ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam với 2 tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 và Điều 179 Bộ luật Hình sự".

Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng này.

Ông Bình bị cơ quan điều tra xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongA Bank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DongA Bank tổng số tiền 3.405 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình và những lãnh đạo khác của ngân hàng này trước năm 2015 là nguyên nhân dẫn đến việc DongA Bank lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Lý do chính là bởi ngân hàng này cho vay theo chỉ đạo ông Bình mà không tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và của nội bộ ngân hàng.

Ông Bình sau đó đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, các cổ đông và tập thể cán bộ nhân viên của DongA Bank. Ông thừa nhận đã có những quyết sách điều hành sai lầm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế dẫn tới tình trạng xấu của DongABank. Ông Bình cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước các quy định của pháp luật.

Năm 2018, ông tiếp tục nhận án tù chung thân trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DongA Bank. Năm 2020, ông Bình nhận án tù chung thân lần thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng.

Đến ngày 1/4/2024, Toà án Nhân dân TP.HCM tiếp tục tuyên án bị cáo Trần Phương Bình, 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, năm 2007, ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Ngọ (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực châu Á - Thái Bình Dương) đã hợp tác để mua cổ phần tăng vốn của DongA Bank bằng tiền vay từ ngân hàng Eximbank và ACB.

Sau đó, khi nợ đến hạn, bị cáo Ngọ không thể trả nợ và tiếp tục vay thêm để đảo nợ. Ngọ đã sử dụng những người thân quen và nhân viên để vay tiền và đảo nợ, tạo ra một số nợ lớn đối với DongA Bank mà không có khả năng thu hồi.

Tổng hợp hình phạt chung với 4 bản án mà bị cáo Trần Phương Bình đang thụ án, tòa tuyên buộc bị cáo phải chịu hình phạt tù chung thân.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm