Đa dạng hoá sự hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân

Sự vươn lên của một số doanh nghiệp tư nhân thành Tập đoàn kinh tế dẫn đầu trong một số lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua như một tất yếu khách quan, giúp cho khối kinh tế tư nhân chuyển biến mạnh mẽ về “chất”.

Sự chuyển mình tất yếu

10 năm trước, ngày 29/10/2009, Văn phòng Chính phủ phát thông báo, Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc thành lập Tập đoàn kinh tế tư nhân, theo đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Một thập kỉ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đi được một chặng đường rất dài. Trong đó, khối kinh tế tư nhân đã vươn lên ngoạn mục, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm đến hơn 40% GDP. Cùng với đó, rất nhiều các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã ra đời và phát triển, khẳng định vai trò to lớn của mình trong sự phát triển của đất nước.

Việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam khá đa dạng. Một số khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu; không ít doanh nghiệp khai mở các lĩnh vực mới như ô tô…

InterContinental Danang Sun Peninsula Resort do Sun Group đầu tư xây dựng nhận nhiều giải thưởng danh giá quốc tế

InterContinental Danang Sun Peninsula Resort do Sun Group đầu tư xây dựng nhận nhiều giải thưởng danh giá quốc tế

Một điểm chung, đó đều là những doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, đi tắt đón đầu vươn lên mạnh mẽ nên đã trở thành những Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư của mình. Phải kể đến như Tập đoàn Sun Group, mặc dù mới có hơn 10 năm tuổi đời nhưng đã vươn mình trở thành nhà phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam, với hàng loạt sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế.

Đó là Tập đoàn Vingroup với rất nhiều sản phẩm chế tạo công nghệ cao như ô tô, điện thoại di động. Đó là Tập đoàn TH sở hữu trang trại bò sữa lớn nhất châu Á và có tham vọng chiếm lĩnh nhiều thị trường ngoài Việt Nam… Còn có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác đang vươn lên trở thành những Tập đoàn kinh tế mạnh, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn mạnh như vậy còn rất ít trên tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn khá manh mún, đa phần là quy mô vừa và nhỏ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nhà nước cần có những chính sách, cơ chế như “đòn bẩy”, giúp các doanh nghiệp lớn đủ sức chuyển mình thành Tập đoàn kinh tế.

Sự chuyển mình này mang tính tất yếu, phù hợp với quy luật cạnh tranh của thị trường. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập với thế giới thì xu hướng hình thành các Tập đoàn kinh tế sẽ càng trở nên mạnh mẽ. Và nó cũng là điều kiện cần để nền kinh tế Việt Nam trở nên lớn mạnh và có sức cạnh tranh cao hơn trên toàn cầu.

Mở đường cho doanh nghiệp lớn mạnh thành tập đoàn

Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang phát triển rất năng động. Để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc Nhà nước có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa thì một trong những việc cần làm là thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân. Những tập đoàn này, với sự năng động, nhanh nhạy sẵn có cộng thêm các điều kiện thuận lợi về mặt: tài chính, nhân sự, năng lực kinh doanh... chắc chắn sẽ trở thành những đầu tàu phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành, dấu ấn rõ nét của nền kinh tế là sự xuất hiện và nổi lên của các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn kinh tế tư nhân. Với 3 - 4 thế hệ doanh nhân, kinh tế Việt Nam chuyển mình cùng sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân và để lại dấu ấn rõ nét trong 5 - 6 năm trở lại đây.

Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp tư nhân có thể lập nên nhiều kỳ tích

Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp tư nhân có thể lập nên nhiều kỳ tích

“Sự nổi lên của các tập đoàn lớn thể hiện trên nhiều góc độ. Họ bắt đầu làm những công trình phức hợp đòi hỏi không chỉ trình độ quản lý mà còn là khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ. Rất nhiều công trình lớn về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, những công trình phức hợp lớn được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân. Sau giai đoạn tích lũy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang lĩnh vực phù hợp với xu thế và đòi hỏi của đất nước”, TS Võ Trí Thành nhận định.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có hành lang pháp lý điều chỉnh, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh đạt đến tầm cỡ khu vực và thế giới.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, do tập đoàn kinh tế mới được hình thành ở nước ta nên có cấu trúc khá đa dạng, tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp. Vì thế, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn để luật pháp hóa mô hình tập đoàn kinh tế, quy định các điều kiện hình thành và cơ chế hoạt động cho tập đoàn.

Còn theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, để có nhiều doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn tư nhân lớn thì kinh tế vĩ mô phải ổn định để kiểm soát được lạm phát, từ lạm phát sẽ kiểm soát được lãi suất. Bởi lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao, mặc dù chúng ta đang quyết tâm kéo giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Do đó, cần phải kéo giảm lãi suất và đảm bảo ổn định để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn.

Có thể bạn quan tâm