Đặt miền Trung lên trang đầu trong sổ tay nghị sự

Lần đầu tiên, một hội nghị liên vùng giữa 14 tỉnh miền Trung được tổ chức, với mong muốn tạo dựng được mối liên kết xuyên suốt, hiệu quả.
Đặt miền Trung lên trang đầu trong sổ tay nghị sự

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức tại tỉnh Bình Định ngày hôm qua (20/8), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tại miền Trung, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Điều này một phần do tính liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh…

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nhìn nhận, cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng chưa được tổ chức tốt, nên chưa phát huy được lợi thế nhờ quy mô.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Cường đề xuất liên kết phát triển kinh tế biển, liên kết phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết xây dựng hệ thống logistics và liên kết phát triển đào tạo.

Để liên kết chặt chẽ và hiệu quả, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất phân công một Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng Vùng, giao một đồng chí chủ tịch tỉnh, thành phố trong vùng là Phó chủ tịch thường trực của Hội đồng Vùng; một Phó chủ tịch Hội đồng Vùng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là hội nghị lớn nhất, có đầy đủ nhất các thành viên tham dự và hy vọng đưa ra được những giải pháp cụ thể nhất có thể áp dụng ngay trong năm nay hoặc năm 2020. Thủ tướng mong muốn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, địa phương chỉ ra được những nút thắt để tháo gỡ.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong vùng đạt mức tăng trưởng bình quân 7 - 10%/năm. Trong đó, nhóm tỉnh kinh tế khá như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung cả nước (đến năm 2020 đạt 3.200 - 3.500 USD). Nhóm các tỉnh còn lại đặt mục tiêu bằng khoảng 90% bình quân chung.

Thủ tướng kỳ vọng, các địa phương đưa ra được những ý tưởng, giải pháp cụ thể để Chính phủ ban hành được các giải pháp thúc đẩy khu vực này phát triển, ít nhất là trong 5 năm và 10 năm tới.

Về vấn đề liên kết giữa các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung bàn thảo những định hướng lớn, đề xuất cụ thể ý tưởng, giải pháp khả thi có thể triển khai ngay.

“Một bác sỹ giỏi phải bắt đúng mạch, đúng bệnh để chữa bệnh. Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng, luôn đặt miền Trung ở vị trí ưu tiên, trang đầu trong sổ tay chương trình nghị sự của mình. Qua đó, Chính phủ, Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cũng coi trọng và đặt miền Trung lên trang đầu trong sổ tay nghị sự của mình”, Thủ tướng nói.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...