“Dấu hiệu lạ” của trái phiếu Chính phủ

CTCK Rồng Việt (VDSC) ghi nhận “dấu hiệu lạ” của trái phiếu Chính phủ khi giá trị gọi thầu giảm mạnh và đi ngược so với kế hoạch phát hành trong quý II/2019.
“Dấu hiệu lạ” của trái phiếu Chính phủ

Cụ thể, trong quý II/2019, KBNN huy động thành công 35.600 tỷ đồng, rất thấp so với kế hoạch phát hành 80.000 tỷ đồng đặt ra trước đó. Tính chung 6 tháng đầu năm, KBNN huy động được 105.000 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch.

Theo VDSC, kết quả trúng thầu thấp do chịu ảnh hưởng bởi việc KBNN chủ động giảm quy mô gọi thầu trong suốt quý vừa qua. Tỷ lệ giá trị gọi thầu/kế hoạch phát hành chỉ đạt 0,6 lần, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lần gần nhất tỷ lệ này giảm xuống dưới ngưỡng 1 là thời điểm quý III/2017, đạt 0,8 lần.

Nhóm chuyên gia của VDSC cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp dẫn đến ứ đọng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò trọng yếu. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong 6 tháng 2019 chỉ đạt 2,1% so với cuối năm trước, mức thấp nhất trong các năm trở lại đây. Vốn đầu tư từ nguồn TPCP giảm 14% so với cuối năm 2018 trong khi nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, chiếm tỉ trọng cao nhất, cũng chỉ tăng 3,7%.

Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt Luật đầu tư công (sửa đổi) nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình thực thi và kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Trong quý III/2019, 3/11 đoạn trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ được khởi công. Những động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn kể từ năm 2020.

Bên cạnh đó, tình hình thu chi ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng giảm sức ép vay nợ thông qua phát hành TPCP. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 660.600 tỷ đồng trong khi tổng chi chỉ ở mức 612.500 tỷ đồng. Các khoản thu từ thuế thu nhập và thuế nhập khẩu đóng góp chính trong khi ở khía cạnh chi đầu tư phát triển chỉ đạt 26,1% dự toán năm.

Trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu ứ đọng còn nhiều và kết quả thặng dư ngân sách trong 6 tháng 2019, việc chủ động giảm phát hành mới sẽ giúp hạn chế sức ép tăng lãi suất TPCP.  Ngoài ra, việc giảm phát hành TPCP cũng hạn chế sự phân tán dòng vốn trong bối cảnh nguồn huy động từ phía NHTM, nhà đầu tư lớn đối với sản phẩm TPCP đang tăng chậm hơn so với cùng kỳ.

Tính đến 18/6, tăng trưởng huy động chỉ đạt 6,1%, thấp hơn mức 7,8% của cùng kỳ năm trước còn tăng trưởng cung tiền ở mức 6,1% (cùng kỳ 2018 là 8,0%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 6,2%, cao hơn mức 6,1% cùng kỳ 2018.

Đáng chú ý, VDSC cho biết đã ghi nhận những thay đổi đột ngột trên thị trường liên ngân hàng và thị trường mở trong tuần qua theo hướng thiếu hụt thanh khoản. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm tăng nhanh, mạnh lên trên ngưỡng 4% trong khi khối lượng cho vay ra cũng đạt đỉnh ở mức 90.000 tỷ đồng/phiên so với mức trung bình 50.000 tỷ đồng /phiên.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh bơm ròng thông qua thị trường mở với tổng giá trị đạt 46.000 tỷ đồng trong tuần qua, đây là mức bơm ròng liên tục và cao nhất kể từ qúy III/2018.

 >> HNX ra mắt Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...