Đề xuất kéo dài và mở rộng thị thực cho người nước ngoài

Đề xuất kéo dài và mở rộng thị thực cho người nước ngoài để tăng du khách "chất lượng cao" đến Việt Nam là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi...
Luật xuất nhập cảnh

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật Xuất nhập cảnh).

Báo cáo tại cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày tờ trình dự thảo Luật Xuất nhập cảnh.

Điều 2 trong dự thảo luật Chính phủ trình sửa đổi 7 điều, khoản của luật Xuất nhập cảnhnăm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Trong đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn của thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Báo cáo thẩm tra về đề xuất này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cho rằng quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.

Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn thị thực không quá 3 tháng; có ý kiến đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 6 tháng.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cũng đồng ý đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.

Cơ quan thẩm tra đánh giá quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực (Singapore 30 - 90 ngày; Malaysia 14 - 90 ngày; Myanmar 28 - 70 ngày; Philippines 30 - 59 ngày; Thái Lan lên đến 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14 - 30 ngày).

Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Lê Tấn Tới cũng đề xuất mở rộng diện miễn thị thực. Cụ thể, hiện Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore (158 nước và vùng lãnh thổ), Malaysia (166 nước và vùng lãnh thổ), Indonesia (169 nước và vùng lãnh thổ), Philippines (157 nước), Thái Lan (70 nước và vùng lãnh thổ), Lào (44 nước và vùng lãnh thổ)…

Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, du lịch, nhất là khách du lịch dài ngày, chất lượng cao từ nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ chưa có trong diện miễn thị thực.

Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Lê Tấn Tới đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 theo hướng mở rộng hơn diện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và mở rộng điều kiện đơn phương miễn thị thực.

Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới.

Có thể bạn quan tâm