Ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%.
Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, ngành dệt may chịu tác động tiêu cực và kéo dài của dịch Covid - 19, biểu hiện là chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt giảm 0,5%, ngành sản xuất trang phục giảm 4,9%...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn là do ngành dệt may đang thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị.
Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc, nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại.
Dd đó, khi dịch Covid - 19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu thì ngành dệt may chịu thiệt hại kép.
Chưa kể, các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.
Ngoài ra, ngành dệt may cũng đang đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Tại thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam.