Hiệp định CPTPP vừa ký kết không có sự tham gia của Mỹ, theo ông, lợi ích của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Về cơ bản, các thỏa thuận đã đạt được trong TPP vẫn được bảo lưu trong CPTPP, trừ 21 vấn đề liên quan đến Mỹ được rút ra để đàm phán, thỏa thuận lại hoặc trì hoãn thực hiện.
Nhìn chung, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặt ra nhiều yêu cầu rất cao đối với các thành viên, đặc biệt là cắt giảm thuế quan. Trong số 11 đối tác trong TPP thì chỉ còn Mỹ, Mexico, Canada và Peru là Việt Nam chưa ký kết FTA. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam, nên khi Mỹ không tham gia TPP, Việt Nam sẽ bị giảm lợi ích rất lớn từ hiệp định này. Nhưng nếu biết tận dụng lợi thế thì Việt Nam vẫn có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường CPTPP.
Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang CPTPP khoảng 31,318 tỷ USD, tập trung vào nhóm hàng nông sản (chiếm 11%), sản phẩm chế tạo (chiếm 27%), máy móc và thiết bị (chiếm 33%). Hiện tại, Việt Nam mới tập trung xuất khẩu vào 4/10 thị trường CPTPP, thu hút đầu tư nước ngoài từ 4/10 quốc gia trong CPTPP (Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Canada), vì vậy, CPTPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tập trung xuất khẩu vào một số ít thị trường.
Thị trường xuất khẩu rộng mở hơn cũng chính là cơ hội để Việt Nam nâng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, cả các nước trong và ngoài CPTPP.
Như vậy, tham gia CPTPP là quyết định đúng của Việt Nam cũng như 10 thành viên còn lại?
Khi mới thành lập (1/1/1995), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ có một số ít thành viên, nên các thành viên được hưởng lợi rất nhiều khi thực hiện cam kết loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Nhưng khi WTO ngày càng mở rộng thì lợi ích đem lại cho các thành viên giảm xuống vì quốc gia nào cũng cắt giảm thuế quan, nên không quốc gia nào ưu đãi hơn quốc gia nào. Do không nhìn thấy lợi ích đem lại từ WTO, một số quốc gia đã thành lập thêm sân chơi riêng trên cơ sở cùng nhau ký FTA trong khối.
Thương mại toàn cầu phát triển mạnh mẽ, FTA trong nội khối không đem lại nhiều lợi ích cho từng thành viên, nên các quốc gia trong khối cùng nhau ký kết FTA với các đối tác thương mại lớn và từng quốc gia lại ký kết FTA riêng với đối tác thương mại lớn.
Ngoài CPTPP vừa được ký kết, hiện tại, Việt Nam đang đàm phán thêm 5 FTA khác. Vì sao Việt Nam tham gia nhiều FTA? Vì nếu không tham gia, chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài - động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm sẽ bị tác động tiêu cực, vì các nước ký kết FTA với nhau, nên tập trung giao thương, đầu tư với nhau, thay vì làm ăn với các nước không tham gia sân chơi của họ.
Tham gia CPTPP, theo ông, những ngành hàng nào sẽ bị tác động và tác động thế nào?
Chăn nuôi và chế biến thực phẩm bị tác động mạnh nhất vì sức cạnh tranh của các ngành này rất yếu. Tôi cho rằng, nếu không tích cực tái cơ cấu, Việt Nam khó có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm chế biến vào thị trường CPTPP. Tham gia CPTPP, ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm bị cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng đây cũng là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu 2 ngành này.
Ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm bị tác động không nhiều vì các cam kết mở cửa trong CPTPP không quá lớn so với cam kết trong WTO.
Trong khi đó, dệt may và da giày được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may và da giày sau khi CPTPP có hiệu lực dự báo tăng thêm 8,3 - 10,8%. Hàng dệt may và da giày hiện được bảo hộ khá cao ở châu Mỹ, nên sau khi cắt giảm thuế quan thông qua CPTPP, sức cạnh tranh của các sản phẩm này của Việt Nam sẽ nâng lên đáng kể.
Đó chỉ là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được khoảng 37% lợi ích mang lại từ 10 FTA đang triển khai, thưa ông?
Muốn khai thác tốt lợi ích đem lại từ các FTA, phải đẩy mạnh đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp phải chủ động hội nhập, thay đổi quản trị điều hành… 10 FTA Việt Nam đã ký kết cũng có nhiều quy định, nhưng không bắt buộc phải thực hiện triệt để, nên doanh nghiệp mới tận dụng được khoảng 37% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết.
CPTPP yêu cầu rất cao đối với thành viên trong việc tuân thủ “ngay và luôn” các cam kết và Việt Nam đã tham gia vào sân chơi này, nên buộc phải thực hiện cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ… Đây chính là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế.