Doanh nghiệp FDI than khổ vì chính sách bất nhất

Sự thay đổi bất ngờ của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2009 - 2013 đã khiến không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… “khổ”
Doanh nghiệp FDI than khổ vì chính sách bất nhất

Hết Unilever, lại đến  Zamil Steel

Chuyện Unilever, một công ty nước ngoài lớn tại Việt Nam, bị truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế vẫn đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. 

Sẽ không có gì đáng nói, nếu đấy là lỗi hoàn toàn từ phía doanh nghiệp. Nhưng ở đây, mọi chuyện lại bắt đầu từ những thay đổi bất ngờ trong chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2009 - 2013. Trong thông cáo của Unilever Việt Nam liên quan đến vấn đề này, do ông Trần Vũ Hoài, Phó chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam ký, cũng đã khẳng định có vướng mắc là do “sự khác nhau” trong các quy định về ưu đãi của Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm đó.

Cũng sẽ không có gì đáng nói nếu đây chỉ là câu chuyện của riêng Unilever Việt Nam. Vấn đề ở chỗ, không chỉ Unilever, mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng lâm tình trạng tương tự, khi chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam bất ngờ thay đổi vào năm 2009. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước năm 2009, các dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong những năm 2009 - 2013, chính sách này bị “cắt” và chỉ được “phục hồi” từ năm 2014, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục được sửa đổi.

Có thể lấy rất nhiều ví dụ để dẫn chứng. Chẳng hạn, trường hợp của Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam. Trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 10/2018, Zamil Việt Nam cho biết, Công ty có 2 nhà máy ở KCN Nội Bài (Hà Nội) và KCN Amata (Đồng Nai). Khi được cấp chứng nhận đầu tư và đi vào hoạt động, dự án ở KCN Amata Đồng Nai được xác định là được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 15%, miễn thuế 3 năm và giảm 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, do đi vào hoạt động đúng vào thời điểm chính sách ưu đãi thuế thay đổi, nên cơ quan thuế chỉ coi Amata Đồng Nai là dự án mở rộng, không cho áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi, mà chỉ được miễn thuế 3 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.

Bởi thế, cơ quan thuế Hà Nội đã xác định, Zamil Steel phải nộp thêm số tiền gần 9,7 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án mở rộng ở Đồng Nai. Zamil chấp nhận nộp thêm khoản thuế chênh lệch trên 6,5 tỷ đồng, nhưng chưa nộp và đề nghị không phải nộp số tiền phạt và lãi trả chậm trên 3,1 tỷ đồng.

Hay trường hợp của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam. Công ty này cách đây ít năm cũng đã liên tiếp gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị cho dự án ở Cần Thơ được hưởng ưu đãi đầu tư đúng như giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Năm 2008, Suntory PepsiCo (có trụ sở tại TP.HCM) quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất ở Cần Thơ, nhưng lại dưới hình thức chi nhánh. Dự án được cơ quan quản lý đầu tư xác định là dự án mới, nên được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% trong 12 năm, miễn 3 năm và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo. Tuy nhiên, năm 2012, khi Tổng cục Thuế thanh tra tại doanh nghiệp lại cho rằng, chi nhánh Cần Thơ của Suntory PepsiCo không được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư này. Cơ quan thuế xác định đó chỉ là dự án đầu tư mở rộng, nên cũng không được ưu đãi về thuế suất, giống như trường hợp của Zamil. Vướng mắc nảy sinh, các kiến nghị được đưa lên, nhưng rồi không tìm được hướng giải quyết. Tháng 5/2017, cơ quan thuế nhất quyết không chấp thuận cho Suntory PepsiCo được hưởng ưu đãi như dự án đầu tư mới.

Doanh nghiệp khổ vì chính sách bất nhất

Thực ra, nằm trong danh sách các doanh nghiệp “khổ” vì những thay đổi trong chính sách ưu đãi thuế, không chỉ có Unilever, Zamil Steel hay Suntory PepsiCo, mà còn có Yamaha, Canon… và nhiều doanh nghiệp khác.

Vào giai đoạn 2009 - 2013, không chỉ ưu đãi với dự án đầu tư mở rộng bị “cắt”, mà còn có sự khác nhau cơ bản giữa pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư. Cụ thể, pháp luật về đầu tư khuyến khích đầu tư đối với dự án đầu tư mới, còn pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp lại có phân định khác nhau giữa ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp được thành lập mới từ dự án đầu tư (khác dự án đầu tư) với dự án đầu tư mới (không kể quy mô) chỉ được ưu đãi theo diện mở rộng đầu tư. Giống như trường hợp của Suntory PepsiCo, cơ quan đầu tư xác định đó là dự án mới, nên được ưu đãi đầu tư, còn cơ quan thuế thì ngược lại.

Những sự khác nhau trong chính sách pháp luật này đã khiến các cơ quan quản lý lấn cấn, còn nhà đầu tư thì sốt ruột vì cho rằng, cơ quan chức năng “tiền hậu bất nhất”. Vì thế, đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho đến nay vẫn bị truy thu thuế và phải nộp cả khoản chậm nộp thuế. 

Thực ra, những năm 2009 - 2013, do chính sách ưu đãi thuế bất ngờ thay đổi, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã bị ảnh hưởng không ít. Thậm chí, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó chính là một trong những vướng mắc lớn nhất của môi trường đầu tư Việt Nam, bởi lẽ ra phải khuyến khích nhà đầu tư tốt mở rộng nhà máy mới hợp tình, hợp lý. Nhiều đề xuất được đưa ra, cuối cùng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013 đã được sửa đổi, cho phép dự án mở rộng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Chính sách đã thay đổi theo hướng tích cực, nhưng hệ lụy thì cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong văn bản gửi lên Chính phủ, Zamil Steel đã đề nghị không tiến hành xử phạt hành chính do chậm nộp thuế, mà nguyên nhân chỉ vì những khác biệt trong chính sách “để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và kinh doanh”.

Unilever cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có “các giải pháp thỏa đáng cho các doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế”. 

Liên quan vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các trường hợp vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước năm 2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

Theo Nguyên Đức/Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...