Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2019. Nếu không đủ điều kiện tổ chức lần 1, ngân hàng sẽ tiếp tục triệu tập họp lần 2 và lần 3 vào ngày 17/10 và 22/10.
Theo tài liệu họp, DongA Bank dự kiến chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ. Số lượng cụ thể chưa được tiết lộ. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp.
Ngân hàng sẽ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tổng số cổ phần sở hữu sau khi mua thêm phải đáp ứng các quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng gồm một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông không được sở hữu vượt quá 20%, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. Cổ phần chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Theo số liệu đã kiểm toán của EY, tính đến hết năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Vì vậy, ngân hàng cần bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo ngân hàng có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ, căn cứ theo tình hình hoạt động hiện nay, DongA Bank chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, ngân hàng này cũng không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vì không đáp ứng các điều kiện hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Do đó, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.
Trước khi phát hành, vốn điều lệ về mặt sổ sách của ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chào bán đủ lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Nếu như đại hội lần tới không thông qua phương án chào bán cổ phần, hoặc việc chào bán được thông qua nhưng các nhà đầu tư không mua đủ số lượng, ngân hàng phải xem xét tái cơ cấu theo phương án khác.
Theo Quyết định 1058 phê duyệt "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", nếu một ngân hàng không thể tự tăng vốn điều lệ thì có thể phải sáp nhập với nhà băng khác hoặc bị chuyển giao bắt buộc, hay sau cùng là thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.
Trong nhiều năm qua, kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của DongABank.
Trong trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Suốt 4 năm qua, DongABank không công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng chỉ công bố tình hình hoạt động ở một vài thời kỳ. Đến nay, DongA Bank đã đi qua nửa chặng đường của năm 2019.
>> Lần đầu tiên sau 4 năm, DongA Bank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường