Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 557,09 ha; quy mô thực hiện gồm Nhà máy điện mặt trời 450 MW, Trạm biến áp 500 kV và hơn 17 km đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án khởi công từ giữa tháng 5/2020 và đặt ra mục tiêu hoàn thành trong quý IV/2020. Để thực hiện dự án trong 102 ngày, đơn vị thi công đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 45 ngày cùng với hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai thi công xuyên suốt ngày đêm.
Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh - tương đương 1 GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo, sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Hai trạm biến áp của dự án, với tổng công suất 1.800 MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung bộ.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, đóng góp quan trọng vào việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.
Đây là một dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện quốc gia.
Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW được xem là dấu mốc lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng.