Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam - VIFON (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Điều đáng nói Ba Lan đã trả lại lô hàng.
Lô hàng bị trả về có số invoice 120322DE. ATD 12-3-2022; số BL B/L No. SGN0215118. Đóng hàng từ ngày 3-7/3/2022, tàu đi ngày 12/3/2022.
Quyết định từ chối nhập vào ngày 19/5/2022, lô 5403 thùng, lô LO1956, ngày trả về trên giấy tờ là 14/7/2022.
Tiếp đến là Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Hiện, Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.
Ngay sau đó, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương đã xác minh và có thông tin bước đầu liên quan đến vụ việc này. Trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 1 trường hợp được xác định có chỉ tiêu chất ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Cụ thể, đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia, Vụ này yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra.
Đối với cảnh báo từ Ba Lan về sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, thông tin ban đầu, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp này chưa đầy đủ nên bị trả lại.
Đối với cảnh báo của nước Đức về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, hiện vẫn đang được xác minh. Tuy nhiên có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021. Trong khi, theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.
Đối tượng kiểm soát EO bao gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với 3 nhóm chính: Nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; Nhóm sản phẩm nhập khẩu; Nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.
Từ ngày 17/2/2022, EU đã áp dụng yêu cầu về chứng thư đối với từng lô sản phẩm mì ăn liền nhập khẩu vào khu vực này. Do đó, Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo các doanh nghiệp nên lưu ý tới các yêu cầu về hồ sơ để đảm bảo đáp ứng quy định, tránh các trường hợp bị từ chối nhập khẩu liên quan tới thông tin hồ sơ.
Đây là thông báo đầu tiên của các quốc gia EU về vấn đề này, nhất là từ cuộc họp song phương với đoàn công tác Việt Nam, nhân phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO vào ngày 23/6.